Dây chuyền tại nhà máy Thanh Bình, Đồng Tháp

Dây chuyền tại nhà máy Thanh Bình, Đồng Tháp

Vĩnh Hoàn bỏ 360 tỷ đồng mua lại thủy sản Thanh Bình

(ĐTCK) Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) cho biết sau khi cân nhắc các phương án, để tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, Công ty đã tiến hành mua lại 100% vốn tại CTCP Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp (Thanh Bình) nhằm chủ động gia tăng công suất chế biến, đáp ứng kế hoạch chiến lược 3 năm giai đoạn 2017-2019. 

Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi gặp gỡ các chuyên viên phân tích và báo chí. 

Thanh Bình hiện sở hữu 2 xưởng sản xuất cá phi lê với công suất thiết kế mỗi xưởng 200 tấn nguyên liệu/năm. Xưởng 1 hiện đang hoạt động với công suất 50 tấn nguyên liệu/ngày và dự kiến tăng công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2017 sau khi bổ sung nhân lực và nâng cấp máy móc. Xưởng 2 cũng cùng công suất thiết kế, dự kiến đưa vào triển khai trong năm 2018.

Ngoài ra, với diện tích đất trống gần 8 ha, VHC sẽ tận dụng để xây dựng nhà máy sản xuất bột cá và mỡ cá, tăng tính chủ động trong nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kho lạnh sẵn có của Thanh Bình cũng giúp VHC chủ động tiết kiệm chi phí khá lớn.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC cho hay, tổng giá trị thương vụ mua lại này là 360 tỷ đồng, nguồn vốn được lấy từ vốn tự có của Vĩnh Hoàn (Công ty không vay mượn cũng như không có kế hoạch phát hành tăng vốn nào khác).

Theo kế hoạch, nhà máy Thanh Bình đi vào hoạt động sẽ mang về cho VHC khoảng 881 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lãi ròng trong năm nay.

Một diễn biến khác, liên quan đến những cáo buộc về cá tra Việt Nam tháng 1/2017 vừa qua, một kênh truyền hình Tây Ban Nha đã phát 1 đoạn phim tài liệu miêu tả về việc cá tra Việt được nuôi bằng các loại thức ăn không hợp vệ sinh. Tiếp đó, một cửa hàng bán lẻ tại Pháp đã thông báo về việc ngừng cung cấp các sản phẩm từ cá tra. Măc dù 2 sự kiện không liên quan nhưng cũng vô tình dấy lên lo ngại cho các nhà bán lẻ và các nhà nhập khấu khác của Vĩnh Hoàn.

Đại diện Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) ngay lập tức đã có phản hồi. Theo Vasep, đoạn phim trên chỉ sử dụng những hình ảnh thu thập bên ngoài mà không hề có sự tiếp cận tìm hiểu các nhà sản xuất cá tra lớn tại Việt Nam.

Đại diện VHC, bà Tâm cho rằng, trong sự cố gần đây phản ứng của Việt Nam đã nhanh và chủ động hơn rất nhiều, thể hiện qua việc phản hồi kịp thời của Vasep.

Bên cạnh việc ứng phó với những thông tin xấu, các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội sẽ tiếp tục các chiến lược marketing về hình ảnh tích cực của cá tra, thức ăn được ưa chuộng tại nhiều quốc gia.

Tin bài liên quan