Vinatex đang dồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính

Vinatex đang dồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính

Vinatex rốt ráo làm sạch tài sản trước khi “mặc áo mới“

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang rốt ráo chỉ đạo  thoái vốn tại một số lĩnh vực để lành mạnh hóa và minh bạch tài sản khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinatex dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/9 tới.

Cổ phiếu của Vinatex, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn đang thu hút được không ít nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, ngoài những yếu tố liên quan đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh hiện tại và tương lai, thì câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn này cũng thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư.

“Tại thời điểm này, có thể thở phào mà nói rằng, Vinatex đã thoái xong 85% giá trị vốn đầu tư ngoài ngành, với số tiền 917 tỷ đồng trong tổng số 1.083 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành. Từ nay đến cuối năm 2015, Vinatex sẽ tiếp tục thoái vốn tiếp 16 khoản đầu tư có giá trị 167 tỷ đồng”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex thông báo.

Theo số liệu tổng hợp từ Vinatex, tính đến thời điểm 31/12/2013, tổng nguồn vốn đầu tư của Tập đoàn là 3.403,529 tỷ đồng, trong đó, khoản đầu tư ngắn hạn là 137,977 tỷ  đồng; đầu tư vào các công ty con 1.484,027 tỷ đồng; đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết 1.269,675 tỷ đồng và các khoản đầu tư dài hạn khác là 511,850 tỷ  đồng.

Cần phải nói thêm rằng, dù có những khoản thoái vốn dưới giá vốn, nhưng tựu trung  Vinatex vẫn cân nhắc trên cơ sở không thoái vốn bằng mọi giá, vì vậy, Tập đoàn vẫn thu được giá trị lợi nhuận từ việc thu hồi các khoản vốn đã đầu tư vào một số ngân hàng, công ty chứng khoán, với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Cụ thể, cuối năm 2011, Vinatex đã rút được phần vốn trị giá 30 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

So với các tập đoàn lớn khác, thì mức đầu tư ngoài ngành của Vinatex là không lớn. “So với Vinatex, nhiều đơn vị khác có thể có tỷ lệ đầu tư nhỏ hơn, nhưng số tiền tuyệt đối lại lớn hơn nhiều. Bởi vậy, có thể nói, việc thực hiện rút dần nguồn vốn của Vinatex tại các đơn vị đã đầu tư không gặp nhiều khó khăn”, ông Trường cho biết thêm. Hiện tại, Tập đoàn vẫn đang triển khai lộ trình thoái vốn đầu tư, dồn lực để tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính của mình.

Vinatex đã hoàn thành phương án tái cơ cấu theo hướng tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực chính được giao. Theo đó, số vốn đầu tư ngoài ngành rút về sẽ được tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đúng ngành nghề cốt lõi (là đầu tư phát triển các dự án dệt, xơ sợi, may mặc xuất khẩu).

Đây là thời điểm hết sức quan trọng trong công tác đầu tư chuẩn bị cho các hiệp định thương mại tự do, trong đó kỳ vọng lớn nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sở dĩ  TPP quan trọng, là bởi các nước thành viên TPP đã chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, với trên 12 tỷ USD, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, chiếm lần lượt 44% và 12% tổng kim ngạch xuất khẩu, các nước còn lại chiếm 4%. Mặt khác, đến thời điểm này, khả năng áp dụng quy tắc “xuất xứ từ sợi” trở đi ở TPP sẽ rất cao. Thực tế này là động lực để ngành dệt may tăng tốc đầu tư cho khâu nguyên phụ liệu.

Theo đó, Vinatex đã công bố dành 9.722 tỷ đồng dành cho đầu tư trong năm 2014,  trong đó giải ngân 5.000 tỷ đồng tập trung vào các dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.

“Sẽ có hơn 10 dự án trọng điểm, như sợi dệt kim; vải nhuộm sợi, rồi dệt (vải yarn dyed); nhuộm vải mộc… được triển khai gấp rút để sớm đưa vào hoạt động, bổ sung thêm vào năng lực sản xuất của ngành dệt may”, đại diện Vinatex cho hay.

 Hết năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được 965 tỷ đồng trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn.

 Tính đến ngày 20/6/2014, giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được là 821,8 tỷ đồng, cụ the: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (thoái được120 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (thoái 376 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng)… Nguồn: Bộ Tài chính

Tin bài liên quan