Vinatex duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức cao là điều đáng khích lệ

Vinatex duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức cao là điều đáng khích lệ

Vinatex đổi ‘vỏ’, liệu có đổi ‘chất’?

(ĐTCK) Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố, Tập đoàn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất -kinh doanh năm 2014 và đang có những tiến triển sau khi IPO vào cuối năm ngoái. Trước áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường dệt may, Vinatex đang “đổi chất” để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo báo cáo của Vinatex, năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn (bao gồm cả các đơn vị liên kết không vốn góp) ước đạt 37.367 tỷ đồng, tăng 110%; doanh thu ước đạt 50.930 tỷ đồng, tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,260 tỷ USD, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.334,3 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2013, song chỉ đạt 78% kế hoạch.

Cũng theo báo cáo của Vinatex, doanh thu Công ty mẹ Tập đoàn năm 2014 là 599,3 tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch, tăng 11% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế là 258,5 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 10,7% so với năm 2013; vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 4.285,655 tỷ đồng.

Trong các đơn vị thành viên, có 8 đơn vị hoàn thành chỉ tiêu doanh thu năm 2014, 19 đơn vị có doanh thu tăng trên 5%. Về chỉ tiêu lợi nhuận, 7 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ tăng dưới 5%, có 6 đơn vị kinh doanh lỗ với tổng số lỗ 87,9 tỷ đồng. Năm 2015, Vinatex dự kiến có 3 đơn vị bị lỗ, với tổng số lỗ khoảng 25 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động của Tập đoàn, ông Đặng Vũ Hùng, Phó Tổng giám đốc, đồng thời là người vừa được bầu vào HĐQT Vinatex cho biết, năm 2014, Tập đoàn gặp khá nhiều khó khăn do tình hình khó khăn chung của thị trường nội địa cũng như nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ thị trường trong nước.

“Vinatex đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường nội địa. Trong khi Tập đoàn và các đơn vị thành viên chịu nhiều áp lực thì khách hàng, người tiêu dùng ngày càng chặt chẽ về giá cả, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Xét về góc độ cạnh tranh nội bộ ngành dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may nói chung và Tập đoàn nói riêng đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt phân khúc giá rẻ bị hàng dệt may Trung Quốc chiếm lĩnh. Ngoài ra, hàng nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường được gắn mác hàng Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà cung cấp”, ông Hùng nói.

Có lẽ, đây cũng chính là lý do khiến Vinatex và các đơn vị thành viên hầu như chỉ đạt suýt soát kế hoạch 2014 đặt ra cho doanh thu và giá trị sản xuất, còn chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận thì hụt 22%; nộp ngân sách cũng không đạt kế hoạch và bằng 93,2% năm 2013.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn, Vinatex duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức cao là điều đáng khích lệ. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực mà Vinatex đã đạt được trong việc cổ phần hóa và tái cơ cấu, chuyển đổi từ mô hình DNNN sang công ty cổ phần, đặc biệt là ĐHCĐ vừa được tổ chức với các nội dung biểu quyết có sự nhất trí tương đối cao của các cổ đông lớn.

Theo ông Hải, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 cũng như đón đầu và tận dụng các cơ hội mới đến từ việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại trong năm 2015, Vinatex vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động cốt lõi của Tập đoàn, đồng thời khai thác tốt thị trường nội địa, chú trọng đầu tư và mở rộng phát triển thị trường.

Bên cạnh đó, cùng với việc xuất hiện 3 thành viên mới trong HĐQT, trong đó 1 đại diện cho phần vốn góp từ Tập đoàn Vingroup và 1 là Tổng giám đốc Vina Capital Group, các cổ đông kỳ vọng vào sự “lột xác”, đổi chất thực sự của Vinatex.

Năm 2015, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn 55.604 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế 1.499 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014.

Tin bài liên quan