Vinatex đầu tư thêm 59 dự án với tổng giá trị 9.400 tỷ đồng

Gần 9.400 tỷ đồng là tổng mức đầu tư mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ chi trong giai đoạn 2015-2017 để thực hiện 59 dự án dệt, nhuộm, may...
Dự kiến, trong năm 2015, sẽ có thêm 4 triệu quần âu, 1 triệu áo
sơ mi... được Vinatex đưa ra thị trường

Dự kiến, trong năm 2015, sẽ có thêm 4 triệu quần âu, 1 triệu áo sơ mi... được Vinatex đưa ra thị trường

Khoản vốn này sẽ được đổ vào 15 dự án sợi, 18 dự án dệt, nhuộm,18 dự án may, 8 dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Theo kế hoạch, riêng năm 2015, sẽ có gần 2.425 tỷ đồng được giải ngân để triển khai các dự án trên, trong đó, phần lớn nhất là 805 tỷ đồng được dành cho các dự án sợi; tiếp đến 713 tỷ đồng cho dệt nhuộm; 726 tỷ đồng cho may mặc và 181 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Theo tính toán của Vinatex, với khoản vốn được giải ngân trên, vào cuối năm nay,  năng lực sản xuất của Tập đoàn sẽ tăng thêm 6.000 tấn sợi; dệt nhuộm thêm 6 triệu mét; ngành may có thể sản xuất thêm 2 triệu áo veston, 4 triệu quần âu, 1 triệu áo sơ mi và 2 triệu sản phẩm dệt kim.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, từ ngày 1/1/2015, công ty mẹ Vinatex chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Theo đó, toàn bộ cơ quan điều hành cùng cán bộ, nhân viên Tập đoàn thực hiện theo phương châm “quản trị chặt chẽ, tăng tốc đầu tư, phát triển thị trường và tăng cường nhân sự”.

Điều khác biệt lớn nhất khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới là, công ty mẹ Vinatex sẽ thực hiện vai trò đầu tư trực tiếp để gia tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là việc tự chủ ở mức cao nhất đối với khâu nguyên phụ liệu.

“Bước chuyển về mô hình hoạt động này là rất lớn, từ chỗ nặng về quản trị tài chính, quản trị các thủ tục đầu tư, thì nay chuyển sang đầu tư, kinh doanh trực tiếp. Đó là bước chuyển đổi không đơn giản với 1 công ty mẹ kể từ khi thành lập đến nay chưa  hề thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Trường nói.

Cần phải nói thêm rằng, trước thời điểm chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty  cổ phần, Vinatex chỉ thực hiện chức năng quản lý phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thành viên. Với một số doanh nghiệp (DN) trong Tập đoàn được cổ phần hóa, thì vai trò của công ty mẹ là tiếp tục quản lý phần vốn nhà nước còn lại trong các DN này; quản lý người đại diện vốn nhà nước tại DN đó và tham gia vào việc đưa ra các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Vinatex thừa nhận, áp lực và khó khăn khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ là công ty cổ phần là không hề nhỏ, nhưng dù khó thì Vinatex vẫn phải làm, không còn có sự lựa chọn khác.

Trong 3 năm tới, thì 60% tổng mức đầu tư của 51 dự án đầu tư trong đổ vào dệt nhuộm và  sợi, tạo hạ tầng để thu hút các DN khác tham gia đầu tư vào dệt nhuộm. Theo Vinatex, đây là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động.

Bởi vậy, cùng với việc cân đối triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, thì các mục tiêu doanh thu, xuất khẩu và lợi nhuận của công ty mẹ -

Vinatex cũng được tính toán thận trọng để có sự phát triển chắc chắn nhất.

Đại diện Vinatex cho rằng, việc giảm quy mô, lùi thời gian triển khai kinh doanh bông tập trung và kinh doanh dệt may theo phương thức ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng, chủ động nguyên phụ liệu) khiến cho doanh thu 3 năm sau cổ phần hóa của công ty mẹ sẽ sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, trong năm 2015, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu riêng cho công ty mẹ là 900 tỷ đồng, trong đó, doanh thu hoạt động từ kinh doanh dệt may là 851,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 288,4 tỷ đồng. Năm 2016, các chỉ tiêu tương ứng là 2.299 tỷ đồng, 2.250 tỷ đồng và 342,3 tỷ đồng; năm 2017 là 3.256 tỷ đồng, 3.204 tỷ đồng và 405,9 tỷ đồng.

Tin bài liên quan