Vinamilk rút một loạt mảng kinh doanh để hút vốn ngọai?

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM, sàn HOSE) vừa quyết định xin ý kiến cổ đông bằng văn bản việc rút khỏi một số lĩnh vực kinh doanh.
Vinamilk hiện là 1 trong 3 công ty có điểm quản trị cao nhất trên thị trường chứng khoán

Vinamilk hiện là 1 trong 3 công ty có điểm quản trị cao nhất trên thị trường chứng khoán

Theo đó, Vinamilk dự kiến rút 7 mã ngành kinh doanh. Đó là các ngành bốc xếp hàng hóa (mã ngành 5224), hoạt động dịch vụ chăn nuôi (mã ngành 0162), hoạt động dịch vụ sau thu hoạch (mã ngành 0163), hoạt động dịch vụ trồng trọt (mã ngành 0161), xử lý hạt giống để nhân giống (mã ngành 0164), in ấn (mã ngành 1811), tư vấn môi giới đấu giá bất động sản (mã ngành 6820).

Ngoài ra, Vinamilk cũng dự kiến sẽ xin cổ đông thông qua việc điều chỉnh nội dung chi tiết một số mã ngành.

Cụ thể, ngành vận tải hàng hóa bằng đường bộ (chi tiết: Vận tải hàng hóa nội bộ bằng ô tô phục vụ cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty). Ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (Chi tiết tại điều 11.3 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014).

Theo kết quả sản xuất kinh doanh quý IV/2015, Vinamilk tăng trưởng doanh thu gần 19%, đạt 11.137 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, VNM gần cán đích 2 tỷ USD doanh số với hơn 40.223 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2014.

Doanh thu bán hàng tại thị trường nước ngoài trong năm 2015 đạt 7.965 tỷ đồng, tăng hơn 2.200 tỷ đồng so với năm 2014.

Năm 2015, Vinamilk có thêm 649 tỷ đồng doanh thu tài chính trong đó có 530 tỷ đồng thu lãi tiền gửi.

Lợi nhuận quý IV của Vinamilk đạt tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ, lên 1.900 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015 lãi 7.770 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.

Việc bớt một số ngành nghề, theo giới phân tích, khả năng là Vinamilk "tránh rủi ro" khi hút vốn ngoại, khi một số ngành có nhiều quy định ràng buộc về nội dung này.

Tin bài liên quan