Cảng Nghệ Tĩnh là cụm cảng tổng hợp quốc gia đầu mối chính tại khu vực Trung Bộ. Ảnh: T.L

Cảng Nghệ Tĩnh là cụm cảng tổng hợp quốc gia đầu mối chính tại khu vực Trung Bộ. Ảnh: T.L

Vinalines được thoái toàn bộ vốn, Cảng Nghệ Tĩnh sắp có chủ mới

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa được bộ chủ quản bật đèn xanh cho thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Cảng Nghệ Tĩnh.

Bán cảng lớn nhất Bắc Trung Bộ

Cho đến thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đang sở hữu nhiều lợi thế nhất trong cuộc đua giành quyền sở hữu 51% cổ phần nhà nước hiện do Vinalines sở hữu tại Công ty cổ Cảng Nghệ Tĩnh - cảng biển tổng hợp đấu mối quốc gia lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Cụ thể, Tuấn Lộc được đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là ông Nguyễn Xuân Đường giới thiệu trong văn bản gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tháng 1/2016 với nội dung cho thoái vốn theo lô toàn bộ cổ phần nhà nước còn lại tại Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh cho nhà đầu tư mới nổi này. Đề xuất này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines được thoái 10.973.772 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tuấn Lộc là nhà đầu tư lớn đã và đang thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng quan trọng trên địa bàn tỉnh, trong đó có Dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô cho TP. Vinh; hạ tầng khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam; bến số 5, 6 Cảng Cửa Lò có tổng mức đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng.

Cảng Nghệ Tĩnh là cụm cảng tổng hợp quốc gia đầu mối chính tại khu vực Trung Bộ, gồm Cảng Cửa Lò và Cảng Bến Thủy. Trong đó, Cảng Cửa Lò - cảng biển loại I nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải quốc tế, là đầu mối giao thông chính của tỉnh Nghệ An và khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, có chức năng trung chuyển hàng hóa đi Lào.

Cảng Nghệ Tĩnh là cụm cảng tổng hợp quốc gia đầu mối chính tại khu vực Trung Bộ, gồm Cảng Cửa Lò và Cảng Bến Thủy

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng Cửa Lò có 6 bến, trong đó có 4 bến (bến số 1, 2, 3, 4) đang hoạt động, được thiết kế cho cỡ tàu 1 vạn tấn do Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh quản lý và 2 bến còn lại (số 5, 6) được thiết kế cho tàu 3 vạn tấn do chính Tuấn Lộc đầu tư (dự án đã khởi công từ tháng 4/2015).

Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị tại các bến số 1, 2, 3, 4 chưa được đầu tư đồng bộ, nên không phát huy được tiềm năng, năng lực của Cảng Nghệ Tĩnh. Mặt khác, tuyến đường giao thông chính từ Quốc lộ 46 vào bến số 5, 6 phải vòng qua các bến 1, 2, 3, 4 vô hình trung tạo thế chia cắt nếu 2 đơn vị khai thác tiếp tục giữ thế độc lập, cạnh tranh với nhau.

“Chính vì vậy, việc Tuấn Lộc tham gia mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Cảng Nghệ Tĩnh sẽ phát huy hiệu quả của toàn bộ các bến cảng”, ông Đường cho biết.

Nhà đầu tư mới nổi

Được biết, đây đã là lần thứ hai, tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GTVT thoái phần vốn nhà nước hiện hữu cho Tuấn Lộc. Trong phương án được đề xuất vào tháng 7/2015, lãnh đạo tỉnh này muốn áp dụng hình thức thỏa thuận trực tiếp nếu Vinalines tiến hành thoái vốn với nhà đầu tư được đề xuất là Tuấn Lộc.

Cần phải nói thêm rằng, việc có được lời giới thiệu của địa phương nơi đặt cảng chỉ có ý nghĩa thêm chút “sức nặng” cho Tuấn Lộc, bởi trong vòng 3 năm nay,doanh nghiệp có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM này là “khách quen” của Bộ GTVT trong các dự án BOT cầu đường, cũng như các thương vụ M&A đình đám.

Mặc dù chỉ được thành lập từ năm 2005, Tuấn Lộc do ông chủ thế hệ 8X Trần Tuấn Lộc, sinh tại Nam Đàn, Nghệ An làm Chủ tịch HĐQT, hiện nắm 51,5% cổ phần tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4). Cienco4 hiện là doanh nghiệp xây dựng cầu đường tại Việt Nam với doanh thu hàng năm vượt quá 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với việc đang sở hữu 18,09% vốn điều lệ, nếu mua được toàn bộ phần vốn nhà nước do Vinalines nắm giữ, Tuấn Lộc sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Vinalines cũng vừa hoàn tất phương án chuyển nhượng vốn/bán đấu giá theo lô cổ phần Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh trình Bộ GTVT phê duyệt.

Được biết, ngoài việc phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế, nhà đầu tư muốn tham gia phải cam kết mua tiếp số cổ phần còn lại của các cổ đông khác (nếu được yêu cầu từ các cổ đông này) sau khi mua thành công cổ phần của Vinalines. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải có cam kết bằng văn bản việc duy trì, phát triển ngành nghề kinh doanh chính sau khi trở thành cổ đông tại Cảng Nghệ Tĩnh.

Như vậy, với số vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng, Tuấn Lộc được đánh giá là hội đủ các điều kiện cần và đủ để thực hiện thương vụ với Cảng Nghệ Tĩnh. Trong khi đó, theo tính toán của Vinalines, nếu đợt thoái vốn thành công, doanh nghiệp này sẽ thu được ít nhất 110 tỷ đồng, có thêm nguồn lực phục vụ công tác tái cơ cấu tài chính, giảm nghĩa vụ nợ tại các tổ chức tín dụng.

“Chúng tôi đang phối hợp với HĐQT Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh để hoàn thiện báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2015, cung cấp tài liệu liên quan cho đơn vị tư vấn xác định giá trị phần vốn góp của Vinalines để sớm tiến hành đấu giá theo chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Tin bài liên quan