Các NĐT tranh luận về những thông số tham chiếu dùng trong định giá khởi điểm cổ phiếu VNA

Các NĐT tranh luận về những thông số tham chiếu dùng trong định giá khởi điểm cổ phiếu VNA

Vietnam Airlines: 2 nhà đầu tư chiến lược vào cuộc

(ĐTCK) Hội thảo cơ hội đầu tư cổ phiếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) diễn ra ngày hôm qua tại TP. HCM thu hút rất đông tổ chức đầu tư, CTCK, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài tham dự. 

Các nội dung về định giá, thu hút NĐT chiến lược, kế hoạch niêm yết và các rủi ro tài chính... đặc biệt được quan tâm.

Theo kế hoạch, ngày 14/11/20014 tới, VNA sẽ bán đấu giá 49 triệu cổ phần (tương đương 3, 475% vốn) ra công chúng với giá khởi điểm 22.300 đồng/CP. Nhiều chuyên viên của tổ chức đầu tư bàn luận sôi nổi về giá khởi điểm của VNA và cho rằng, mức giá này khá cao so với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản. Năm 2014, VNA dự kiến sẽ đạt hơn 59.000 tỷ đồng doanh thu và 341 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ROA khoảng 0,52%.

Ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Tư vấn Tài chính CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, giá khởi điểm 22.300 đồng/CP được xác định vào 31/3/2013, là thời điểm gần nhất so với liên doanh tư vấn Citigroup và Morgan Stanley tiến hành định giá. Theo phương pháp tài sản do CTCP Định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) thực hiện thì cổ phiếu VNA có giá 21.166 đồng/CP. Bên cạnh đó, xác định giá khởi điểm không chỉ dừng lại ở việc kỳ vọng IPO thành công mà còn tính cả mức giá chào bán cho NĐT chiến lược sau đó.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV VNA cho biết, ngay sau khi phương án cổ phần hóa được duyệt, VNA đã khởi động lộ trình tìm kiếm, lựa chọn NĐT chiến lược với sự tư vấn của liên doanh nhà thầu Morgan Stanley và Citigroup. Đã có một số NĐT quan tâm và tìm hiểu về VNA, hiện có 2 NĐT đang trong quá trình nộp đơn. Sau khi IPO thành công, VNA sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn NĐT chiến lược, đồng thời thực hiện niêm yết theo đúng Quyết định 51 của Thủ tướng. Dự kiến, ĐHCĐ lần đầu sau khi trở thành CTCP vào ngày 12/3/2015.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA cho biết, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của VNA là 4,3 lần và nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu là 3,17 lần, đều cao hơn chuẩn chung của ngành hàng không. Việc giảm hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là điều VNA luôn quan tâm, đồng thời cũng nhận thức rõ cần tăng vốn chủ sở hữu cho phù hợp quy mô hoạt động. Theo giá trị sổ sách tại ngày 31/3/2013 thì doanh thu VNA đạt 2,7 tỷ USD, lượng khách 14 - 15 triệu khách, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 506 triệu USD là thấp so với các hãng hàng không khu vực. Theo tính toán, sau cổ phần hóa, vốn chủ sở hữu của VNA tăng lên 14.101 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2018 sẽ tăng lên 26.000 tỷ đồng.

Liên quan đến tài chính, rủi ro NĐT quan tâm là về tỷ giá do nguồn thu của VNA là nhiều ngoại tệ khác nhau. Đại diện VNA cho biết, trong cơ cấu dòng tiền thì thu 50% là các loại ngoại tệ khác, nhiều nhất là Yên Nhật chiếm 10%, Euro chiếm 8 - 9%, đồng won 8 - 9%, USD chiếm 7 - 8%, đô la Úc chiếm 4 - 5%.

Ông Minh cho biết thêm, yếu tố chi phí nhiên liệu chiếm tới 37% tổng chi phí của VNA. Ước tính, mỗi 1 USD tăng hoặc giảm về giá nguyên liệu sẽ tương đương 150 - 160 tỷ đồng chi phí. Trong 1 - 2 tháng gần đây, giá nhiên liệu có xu hướng giảm khoảng 20% so với 3 tháng trước nên tổng chi phí sẽ giảm. Giả định, giá nhiên liệu năm 2015 là 105 USD/thùng như hiện nay thì chi phí nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 31% tổng chi phí.

Trong 9 tháng đầu năm, VNA lãi khoảng 100 tỷ đồng, chưa tính lợi nhuận của 20 DN thành viên. Giai đoạn này, VNA bị ảnh hưởng bởi sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở Biển Đông và khủng hoảng Ucraina làm lượng khách Nga tới Việt Nam, nhất là thị phần thu nhập cao giảm đáng kể. Quý IV là thời gian cao điểm của ngành hàng không nên kết quả dự báo sẽ quả quan hơn.

Ông Minh chia sẻ, tương lai, VNA sẽ đạt chỉ tiêu lợi nhuận gấp nhiều lần so với hiện tại, bởi đến năm 2018 hoàn tất thay toàn bộ đội tàu bay thân rộng bay chủ lực các đường bay chính bằng đội tàu bay thế hệ mới là B787 và A350. Điều này giúp chỉ số về chi phí nhiên liệu giảm tới 25%, các chỉ số về chi phí bảo dưỡng kỹ thuật cũng giảm ở mức 15 - 20%... Thứ hai, cũng với đội bay đó, VNA sẽ hoàn tất chương trình nâng cấp dịch vụ thành hãng hàng không 4 sao. Hiện nay, 60% chỉ số về dịch vụ mặt đất đạt tiêu chuẩn 4 sao, khoảng 75% cho các tiêu chuẩn dịch vụ trên không đạt chuẩn 4 sao.

Tin bài liên quan