VICEM đau đầu trước IPO

Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) đang đẩy nhanh tái cơ cấu 2 doanh nghiệp xi măng thua lỗ là Hạ Long và Sông Thao nhằm hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay.
Băn khoăn lớn nhất của Ban lãnh đạo VICEM lúc này là phương án xử lý hiệu quả khoản lỗ lớn tại Xi măng Hạ Long

Băn khoăn lớn nhất của Ban lãnh đạo VICEM lúc này là phương án xử lý hiệu quả khoản lỗ lớn tại Xi măng Hạ Long

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV VICEM cho biết, “VICEM đang chạy đua tổng lực, thực hiện các phần việc trong quá trình tái cơ cấu 2 doanh nghiệp xi măng thua lỗ là Hạ Long và Sông Thao để tiến tới ghép những mảnh ghép cuối cùng trong công tác cổ phần hóa VICEM, kịp tiến độ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay”.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong năm nay, bộ này sẽ tiến hành cổ phần hóa 4 tổng công ty trực thuộc, gồm: VICEM, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO). Trong đó, Tổng công ty Sông Đà, HUD và IDICO phải cổ phần hóa trong quý II/2016. Riêng VICEM, do phải thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu một số nhà máy xi măng, nên dự kiến hoàn thành cổ phần hóa vào cuối năm 2016.

"Đến thời điểm này, VICEM đã đi qua chặng đường khó khăn nhất và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đi vào quỹ đạo ổn định, vững chắc, với các chỉ số lợi nhuận ổn định, nên khi IPO vào cuối năm nay, VICEM sẽ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước" - Đại diện VICEM.

Cả 4 tổng công ty đã cơ bản hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp và đang phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thẩm định trước khi Bộ Xây dựng phê duyệt và công bố theo quy định.

Ông Lương Quang Khải cho biết, việc tái cơ cấu nợ nần, hoạt động của 2 doanh nghiệp xi măng thua lỗ rất vất vả và khó hoàn thành trong ngắn hạn. Trong đó, Xi măng Hạ Long về với VICEM khi đã mất hết vốn, cộng thêm khoản lỗ lên tới 3.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là lý do khiến VICEM “đau đầu” hơn cả, bởi khối lượng công việc tính đến thời điểm này còn khá nhiều.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, hoàn thành đúng tiến độ cổ phần hóa, ngay trong đầu tháng 3/2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của Tổng công ty Sông Đà tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long về VICEM, hai tổng công ty đã thực hiện chuyển giao theo hình thức ghi tăng - ghi giảm vốn.

Theo đó, số lượng cổ phần bàn giao là 64.576.290 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị theo mệnh giá là 645.762.900.000 đồng, chiếm 65,76% vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Vốn điều lệ tại thời điểm bàn giao của Xi măng Hạ Long là 982 tỷ đồng.

Ông Khải cho hay, ở cương vị là doanh nghiệp nhà nước, có lợi thế về sản xuất và tiêu thụ, hỗ trợ lẫn nhau, VICEM đã và đang triển khai đúng chủ trương, đường lối đối với 2 doanh nghiệp nhận tái cơ cấu.

Xi măng Sông Thao (quy mô xấp xỉ 1 triệu tấn), sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu, đến thời điểm này, đã tạm cân bằng sản xuất và tiêu thụ, nhưng chưa xử lý được khoản lỗ 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phân tích của VICEM, việc xử lý nợ nần cũng khả quan, bởi thuận lợi là dây chuyền sản xuất của Xi măng Sông Thao còn mới, điều kiện mỏ đá, nguyên liệu đủ cho khai thác trong thời gian dài. Do vậy, khi Nhà máy chạy tối đa công suất, sản phẩm có đầu ra, thì những vướng mắc về nợ nần sẽ dần được tháo gỡ.

Trong khi đó, Xi măng Hạ Long có công suất gấp đôi Hạ Long, nhưng đến thời điểm này, Nhà máy đã chạy 100% công suất và đảm bảo được đầu ra. Để có được kết quả này, hầu hết thành viên của VICEM (VICEM Hà Tiên, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Bút Sơn…) đã phải vào cuộc, phát huy tổng lực về khả năng để “vực” dậy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhà máy này.

“Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thành viên VICEM, hoạt động của Xi măng Hạ Long đã đi vào ổn định. Thời gian tới, khi có chủ trương cuối cùng của Chính phủ về xử lý nợ, chúng tôi sẽ triển khai tiếp”, ông Khải cho biết.

Theo ông Lương Quang Khải, băn khoăn lớn nhất của Ban lãnh đạo VICEM lúc này là phương án xử lý hiệu quả khoản lỗ lớn tại Xi măng Hạ Long.

“Hiện tại, các bộ phận chức năng của VICEM đã hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện với Xi măng Hạ Long và Sông Thao, để khi các phần việc về tái cơ cấu toàn bộ sản xuất, kinh doanh được ổn thỏa và Chính phủ có quyết định về các khoản nợ của 2 nhà máy này thì VICEM sẽ hoàn thành ‘mảnh ghép’ cuối cùng trong công tác cổ phần hóa”, ông Khải nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đậu Minh Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang áp sát tiến độ tái cơ cấu 2 doanh nghiệp thua lỗ được giao cho VICEM. Chắc chắn, tái cơ cấu phải để cho hoạt động của doanh nghiệp đang yếu tốt lên và làm thế nào để đơn vị nhận nhiệm vụ thực hiện như VICEM không bị ảnh hưởng. “Kế hoạch IPO vào cuối năm nay sẽ không thể bị chậm trễ thêm nữa”, ông Thanh khẳng định.

Về phần mình, đại diện VICEM cho rằng, đến thời điểm này, VICEM đã đi qua chặng đường khó khăn nhất và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đi vào quỹ đạo ổn định, vững chắc, với các chỉ số lợi nhuận ổn định, nên khi IPO vào cuối năm nay, VICEM sẽ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Tin bài liên quan