Vì sao cổ đông SDH “mạnh tay” miễn nhiệm HĐQT?

Vì sao cổ đông SDH “mạnh tay” miễn nhiệm HĐQT?

(ĐTCK) Nắm trong tay quyền sử dụng và triển khai 3 dự án bất động sản lớn, nên dù hoạt động kinh doanh chính bi bét, Công ty cổ phần Xây dựng Hạ tầng Sông Đà (SDH) vẫn là “miếng bánh” được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Cuộc lật đổ HĐQT ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Công ty mới đây dự báo tranh chấp và mâu thuẫn tại công ty này sẽ tiếp tục tăng nhiệt.

Nhóm cổ đông lớn sở hữu 36,32% tổng số cổ phần của SDH trong thời gian liên tục 6 tháng do Công ty Chứng khoán APEC đại diện đã thay thế Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Công ty tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 17/5/2017.

Trước đó, sau khi xin gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, ông Vũ Văn Bảy, Chủ tịch HĐQT Công ty đã ký thư mời triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên, dự kiến tổ chức ngày 19/6/2017.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của SDH diễn ra hôm 17/5 khá căng thẳng, các cổ đông có giấy tờ và ủy quyền gốc mới được tham gia. Tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp  là 51,25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành. Trong đó, APEC sở hữu và được ủy quyền hơn 8 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần Sông Đà 9 sở hữu 1,86 triệu cổ phần và 4 cổ đông cá nhân khác.

Dự án số 5 Lạc Long Quân, Cầu Giấy, Hà Nội có tổng diện tích đất 3148,5m2, trong đó mật độ xây dựng 59,5%, hệ số sử dụng đất 6 lần.

Khu công nghiệp Yên Phong có quy mô hơn 500 ha, có vị trí đắc địa tại Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APEC, đại diện nhóm cổ đông lớn, và ông Nguyễn Đức Quân, Giám đốc khối doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán APEC đã chủ trì đại hội. Đại hội thảo luận các nội dung và tờ trình về việc không chuyển nhượng dự án Khu công nghiệp Yên Phong II cho Công ty trách nhiệm hữu hạn VSIP Bắc Ninh; miễn nhiệm HĐQT và Ban Kiểm soát; bầu HĐQT và Ban Kiểm soát mới.

Cổ đông có ý kiến về việc không ủy quyền cho Hội đồng quản trị tiến hành giao dịch 3 dự án: dự án Yên Phong, dự án Lạc Long Quân, dự án Đồng Nai và yêu cầu thông qua Đại hội đồng cổ đông trước khi thực hiện. Cổ đông còn có ý kiến về việc nghi ngờ số liệu trên Báo cáo tài chính của Công ty, nguồn vốn không được bảo toàn. Yêu cầu kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh của SDH, đề nghị làm rõ sai phạm của Công ty và yêu cầu bồi hoàn nếu có dấu hiệu sai phạm.

Đồng thời, có ý kiến yêu cầu HĐQT mới khi nhận bàn giao phải kiểm kê tài sản, hợp đồng giao dịch. Yêu cầu cơ quan pháp luật làm rõ nếu có chênh lệch với Báo cáo tài chính và HĐQT mới cần truy cứu trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

Căn cứ điểm c Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Đại hội đồng cổ đông công ty có thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên.    

Một số cổ đông lại có ý kiến rằng, tuy chủ tịch HĐQT Công ty là ông Vũ Văn Bảy có vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ đối với cổ đông và trách nhiệm với HĐQT nhưng vẫn mong muốn xử lý việc miễn nhiệm chủ tịch HĐQT một cách hợp tình, hợp lý.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Lăng cho biết, APEC và các cổ đông đã rất thiện chí, yêu cầu SDH hợp tác cung cấp các hồ sơ, tuy nhiên không nhận được phản hồi của phía Công ty.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện nhóm cổ đông lớn cho biết, các cổ đông đã yêu cầu HĐQT Công ty triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên từ tháng 2 để trao đổi, thảo luận về các biện pháp vực dậy hoạt động của Công ty nhưng không nhận được trả lời. Đặc biệt, họ không được tiếp cận với bất cứ thông tin nào về hoạt động kinh doanh của Công ty, thậm chí báo cáo tài chính 2016 cho đến thời điểm này cũng không được cung cấp.

Trong cả năm 2016, HĐQT Công ty không họp một cuộc nào, ngoài một cuộc họp được tổ chức bằng cách cử nhân viên đi lấy ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.

Tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường nhưng nhóm cổ đông lớn của SDH còn gặp vô vàn khó khăn trước mắt. Trước hết là sự không hợp tác của HĐQT và Ban Kiểm soát bị miễn nhiệm. Họ không công nhận tính hợp lệ của Đại hội đồng cổ đông bất thường, Ban lãnh đạo cũ không bàn giao con dấu và các giấy tờ, tài sản của Công ty.

HĐQT mới và Ban điều hành mới tới cơ quan đăng ký kinh doanh xin cấp con dấu mới và làm lại đăng ký kinh doanh nhưng không được chấp thuận, với điều kiện muốn thay đổi phải có đề nghị từ Công ty trong đó có đóng con dấu cũ…

Rõ ràng Luật Doanh nghiệp đã trao quyền rất lớn cho đại hội đồng cổ đông nhưng để bảo vệ được quyền lợi của mình, hành trình của các cổ đông còn lắm gian nan.      

Tin bài liên quan