VHC: Đóng góp từ thị trường Mỹ dự kiến giảm xuống còn 50% trong quý III

VHC: Đóng góp từ thị trường Mỹ dự kiến giảm xuống còn 50% trong quý III

(ĐTCK) Tại buổi gặp gỡ với báo chí của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) diễn ra sáng nay (12/9), bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VHC cho biết, Đạo luật Farmbill sau 1 tháng triển khai nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 của VHC có chững lại so với tháng 7/2017, đạt 22,4 triệu USD, tuy nhiên dự kiến từ tháng 9 trở đi sẽ tăng trưởng đều. Dự kiến trong tháng 9/2017, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 24,1 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 8/2017, có 198/320 container đã được thông quan và lấy mẫu thử nghiệm thành công, các container còn lại dự kiến sẽ thông quan trong thời gian tới do vấn đề về thủ tục và thời gian.

Được biết, từ 2/8/2017 trở đi, tất cả các chuyến hàng nhập khẩu cá và sản phẩm cá nhập vào Mỹ phải được nộp cho Cơ quan Kiểm định Nhập khẩu Mỹ (FSIS) trong 30 ngày để nhân viên FSIS kiểm tra lại và kèm theo giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam.

Theo quy trình kiểm soát của FSIS, hàng hóa sau khi được thông quan, sẽ được chuyển đến trung tâm gọi là ihouses, đây là nơi sẽ lưu trữ hàng hóa và thực hiện các khâu kiểm tra. Theo đó, bên cạnh kiểm tra 100% lô hàng, khoảng 2%-4% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ được FSIS lấy mẫu phân tích qua phòng thí nghiệm. 

Theo bà Tâm, đạo luật Farmbill cơ bản để bảo hộ các nhà sản xuất cá thịt trắng trong nước trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm cá tra bởi giá cá tra chỉ bằng một nửa các sản phẩm cá nội địa. Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả kinh tế, với việc triển khai Farmbill, Chính phủ Mỹ sẽ phải chi thêm tiền cho đội ngũ kiểm tra chất lượng và chi phí tăng này sẽ khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn cho sản phẩm.

Mặt khác, tính đến 5/9/2017, Mỹ có khoảng 45 ihouse. Việc giới hạn về số nhà ihouse, công suất và nhân viên của FSIS có thể dẫn đến sự chậm trễ, chi phí vận chuyển và tích lũy hàng tồn kho. Bên cạnh đó, việc trì hoãn sản phẩm thương mại có thể dẫn đến việc cung cấp thấp hơn và giá bán cao hơn. Theo VHC, trong quý III, giá trị xuất khẩu đóng góp từ thị trường Mỹ dự kiến giảm xuống còn 50%.

Tuy nhiên, theo bà Tâm, tình hình nguồn cung cá tra năm nay tương đối khan hiếm nên việc gia tăng sản lượng đối với VHC là điều rất cân nhắc. VHC phải cân đối giữa các thị trường, về lâu dài không muốn xuất Mỹ quá nhiều, trong khi thị trường mới tiềm năng tăng trưởng khá tốt.

Bên cạnh đó, bà Tâm cũng nhấn mạnh, Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Canada là những thị trường tăng trưởng tích cực tính đến thời điểm hiện tại, trong đó Trung Quốc tăng mạnh nhất và cũng là thị trường dễ tăng giá bán nhất bởi nhu cầu tiêu thụ hiện nay cực kỳ mạnh. Dự tính năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng 50%, giá bán tại thị trường này hiện nay bình quân tăng 10%.

Chia sẻ về triển vọng kết quả kinh doanh quý III/2017, dù chưa tiết lộ con số cụ thể, nhưng và Tâm cho biết kết quả tương đối tốt, đặc biệt tháng 7 và tháng 8 giá nguyên liệu diễn biến tương đối thuận lợi, trong khi tháng 9 giá có dấu hiệu tăng mạnh.

Tin bài liên quan