Kế hoạch đầu tư vào bất động sản đất nền tại Phú Quốc của UNI đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Kế hoạch đầu tư vào bất động sản đất nền tại Phú Quốc của UNI đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức

UNI đuối sức với lĩnh vực bất động sản

(ĐTCK) Từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm viễn thông, từ năm 2014, CTCP Viễn Liên (UNI) đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản. Sau một năm 2015 báo lãi đột biến, UNI đang tỏ ra “đuối sức” với mảng kinh doanh mới.

Giá cổ phiếu UNI đã phản ánh một phần thực tế đó. Từ mức 10.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối năm 2015, cổ phiếu UNI cứ tà tà ở mức 4.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm đến nay.

Xuất phát điểm là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông - tin học với lợi nhuận ổn định khoảng vài trăm triệu mỗi năm, trong vòng 3 năm trở lại đây, Ban lãnh đạo UNI đã quyết định tham gia vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là bất động sản, với phân khúc đất nền. Và Phú Quốc là địa điểm được Ban lãnh đạo Công ty lựa chọn. Tại đây, UNI hiện đang triển khai hai dự án, bao gồm Dự án Khu dân cư 11,3 ha Hàm Ninh và mở rộng và Khu dân cư 61 ha Cửa Cạn.

Năm đầu tiên sau khi UNI chuyển hướng kinh doanh, Công ty báo lãi rất tích cực. Cụ thể, năm 2015, Công ty ghi nhận doanh thu 76,6 tỷ đồng và 13,7 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp hơn 12 tỷ đồng trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty. Đây được xem mức lợi nhuận ấn tượng so với mức bình quân vài trăm triệu đồng của các năm trước.

Tuy nhiên, bước sang năm 2016, doanh thu của Công ty sụt giảm mạnh, đạt 33,8 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn hơn 650 triệu đồng. Trong khi đó, tổng mức đầu tư cho hai dự án bất động sản tại Phú Quốc năm 2016 của UNI là hơn 90 tỷ đồng. 

Lý giải cho kết quả kinh doanh sụt giảm, Ban lãnh đạo UNI cho biết, do năm 2016, hoạt động giao dịch bất động sản tại Phú Quốc trầm lắng, Công ty không ghi nhận doanh thu từ mảng này.

Dù vậy, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 (diễn ra vào ngày 24/6/2017), Ban lãnh đạo UNI dự kiến vẫn tiếp tục trình cổ đông kế hoạch đầu tư vào bất động sản tại Phú Quốc.

Việc tiếp tục đầu tư trong giai đoạn kinh doanh khó khăn như hiện nay, dòng tiền eo hẹp là một bài toán lớn đặt ra với UNI. Hiện tổng nợ của UNI hơn 9,6 tỷ đồng, trong đó hầu hết là các khoản nợ ngắn hạn.

Áp lực lãi vay đối với UNI đang hiển hiện. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của UNI đang âm hơn 9 tỷ đồng. Tại bảng cân đối kế toán tính đến ngày 31/12/2016, tiền và các khoản tương đương tiền của UNI chỉ hơn 1,1 tỷ đồng.

Theo UNI, năm 2017, Công ty dự kiến tiếp tục vay ngắn hạn thêm tối đa 20 tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động này. Đồng thời, Công ty sẽ hủy kế hoạch phát hành tăng vốn đã thông qua tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm trước.

Dù tiếp tục kỳ vọng vào mảng bất động sản, nhưng UNI chỉ đặt kế hoạch doanh thu 30 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay, UNI sẽ bán 14 nền đất thổ cư còn lại tại dự án đô thị 67,5 ha (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc).

Giá chào bán là 9 triệu đồng/m2 đối với nhà phố và 8 triệu đồng/m2 đối với biệt thự phố. Đồng thời, Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất 11,3 ha Hàm Ninh để đủ điều kiện chào bán và ghi nhận doanh thu vào năm 2018. 

Kế hoạch khiêm tốn là vậy, nhưng theo báo cáo tài chính quý I/2017, kết thúc 3 tháng đầu năm, UNI ghi nhận doanh thu 2,6 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và lỗ hơn 135 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 120 triệu đồng.

Việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ngoài yêu cầu về nguồn vốn còn yêu cầu nhiều yếu tố khác; trong đó, kinh nghiệm phát triển là yếu tốt cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, xét về năng lực cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, UNI chỉ được xem là “tay ngang”.

Trước sự "kiên định" chiến lược kinh doanh của UNI, cổ đông UNI đang mong chờ Ban lãnh đạo công ty này đưa ra những giải pháp căn cơ, khả thi để mảng kinh doanh mới tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra tới đây.                             

Tin bài liên quan