Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, TTF có số dư hàng tồn kho hơn 2.300 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối tháng 6/2015, TTF có số dư hàng tồn kho hơn 2.300 tỷ đồng

TTF, thị trường có kỳ vọng quá đà?

(ĐTCK) Lãi lớn, với mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) đạt gần 130 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận mà Công ty đã đạt được trong mỗi năm kể từ năm 2006 đến nay, giúp giá cổ phiếu TTF tăng lên mức đỉnh kể từ đầu năm 2012. Nhưng, nhìn lại lợi nhuận và câu chuyện tài sản của TTF cho thấy, nhà đầu tư dường như đang kỳ vọng quá đà vào sự hồi phục của doanh nghiệp này.

Lãi lớn và tăng giá ngoạn mục

Nửa đầu năm 2015, TTF ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong BCTC hợp nhất có soát xét. Theo đó, doanh thu hợp nhất 6 tháng của Công ty đạt 1.348 tỷ đồng, gấp 2,95 lần cùng kỳ năm trước, trong đó mức tăng tập trung gần như toàn bộ vào doanh thu bán hàng thành phẩm và hàng hóa.

Cùng với sự khởi sắc mạnh về doanh thu, TTF cũng hạch toán được lợi nhuận lớn hơn mức lợi nhuận của tất cả các năm kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đạt 132,877 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 129,855 tỷ đồng, bằng 7,78 lần lợi nhuận cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) TTF đạt 1.233 đồng chỉ trong nửa đầu năm nay, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 là 227 đồng, cả năm 2014 là 911 đồng. Đây có lẽ là nguyên nhân trọng yếu giúp giá cổ phiếu TTF ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm nay.

Giá tham chiếu cổ phiếu TTF ngày giao dịch đầu năm 2015 (5/1/2015) là 10.500 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/10/2015 là 18.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gần 71,43% trong hơn 10 tháng. Đây là mức tăng rất ấn tượng trên TTCK. 

Sự kỳ vọng quá đà?

Nếu kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2015 được duy trì, tức EPS năm 2015 khoảng 2.466 đồng, thì ở mức giá 18.000 đồng/cổ phiếu, P/E cổ phiếu TTF mới chỉ đạt 7,3 lần, thấp hơn một chút so với mức định giá chung toàn thị trường (nếu loại bỏ đi các cổ phiếu ngân hàng) là khoảng 8 - 10 lần. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất lợi nhuận của Công ty, mức định giá P/E 7,3 lần của thị trường dành cho TTF dường như là quá cao, hoặc thị trường đã kỳ vọng quá nhiều vào sự phục hồi của Công ty.

Thuyết minh chi tiết thu nhập của TTF 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, trong số 169,845 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà TTF hạch toán, có tới 72,562 tỷ đồng đóng góp từ chi phí lãi vay được xóa và 86,358 tỷ đồng thu nhập từ nợ gốc được xóa.

Điều này có nghĩa là, nếu không có sự xóa nợ của chủ nợ, TTF chỉ ghi nhận được 10,925 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, tương đương 8,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, với EPS là 85 đồng. Nếu nửa cuối năm nay, TTF không có thêm khoản thuế hay chi phí lãi vay được xóa và hiệu quả kinh doanh chỉ như nửa đầu năm thì định giá TTF sẽ ở mức P/E khoảng 106 lần.

Nhìn lại năm 2014 - năm được đánh giá là bước chuyển mình của TTF, Công ty có doanh thu 1.462 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 70,619 tỷ đồng, EPS 911 đồng. Tuy nhiên, để có con số lợi nhuận trước thuế gần 85 tỷ đồng trong năm 2014 cho TTF, các chủ nợ đóng góp tới trên 104 tỷ đồng bằng việc xóa lãi vay. Bỏ đi tác động từ yếu tố này, TTF thực ra vẫn lỗ năm 2014.

Về mặt sổ sách kế toán, khi doanh nghiệp được miễn, giảm, xóa nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, khoản phải trả, tương ứng với giá trị được miễn, giảm, xóa nợ, các khoản phải trả sẽ là phần tăng thêm của vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, liệu chủ nợ có sẵn sàng xóa nợ cho doanh nghiệp nếu họ còn có khả năng thu hồi bằng cách nào đó: tiền hoặc siết tài sản?

Tại ngày 30/6/2015, TTF có 141,55 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; 56,8 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (gồm tiền gửi trên 3 tháng); 824,8 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, trong đó bao gồm 624,65 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng. Đặc biệt, TTF có số dư hàng tồn kho lên tới 2.304 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2014, bằng xấp xỉ 170% doanh thu nửa đầu năm 2015 hoặc cả năm 2014. Với cơ cấu thành phần của số dư hàng tồn kho không mấy thay đổi so với đầu năm cho thấy, hàng tồn kho của TTF không dễ lưu chuyển.

Về mặt tích cực, TTF đã bắt đầu có nguồn tiền, đã giảm được áp lực tài chính với việc tái cấu trúc nợ, miễn, giảm nợ và lãi vay, doanh thu bắt đầu tăng trưởng. Với điều này, TTF có thể sẽ từng bước ghi nhận những tiến bộ về chất lượng hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, với hàng tồn kho lớn, vốn chủ sở hữu thực sự có thể đang cách xa giá trị tài sản ròng mà Công ty đang sở hữu. Trong bối cảnh này, để TTF tạo ra lợi nhuận thực đủ hấp dẫn nhà đầu tư từ hoạt động kinh doanh chính vẫn là bài toán khó đặt trên vai Ban lãnh đạo Công ty.

Tin bài liên quan