Giải quyết hàng tồn kho đang là ưu tiên của TTF. Tại thời điểm 30/6/2017, số dư hàng tồn kho của TTF là 1.752,5 tỷ đồng

Giải quyết hàng tồn kho đang là ưu tiên của TTF. Tại thời điểm 30/6/2017, số dư hàng tồn kho của TTF là 1.752,5 tỷ đồng

TTF: Tái cấu trúc vẫn đang trong giai đoạn đầu

(ĐTCK) Sau gần nửa năm nhóm cổ đông mới tham gia tái cấu trúc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), hoạt động kinh doanh của Công ty đã có chuyển biến. Nhưng những vấn đề lớn như hàng tồn kho, nợ vay lớn và năng lực sản xuất vẫn chưa có nhiều thay đổi.

6 tháng, lãi hơn 1 tỷ đồng nhờ được miễn lãi vay gần 85 tỷ

TTF vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng soát xét bán niên năm 2017. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, nửa đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng 512 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là 276 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí tài chính lớn, TTF vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh lên tới 71,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm của cổ đông công ty mẹ là lãi 1,373 tỷ đồng đến từ khoản thu nhập khác, do ghi nhận 84,67 tỷ đồng lãi vay được miễn giảm từ ngân hàng.

Tại báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên của TTF, kiểm toán viên Ernst&Young viết: "Việc nhóm công ty đã ghi nhận số lãi vay được miễn giảm từ các khoản vay ngân hàng vào tài khoản thu nhập khác cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 với số tiền là 84.671.312.439 đồng, theo chúng tôi, là chưa phù hợp với các quy định hiện hành dựa trên các thông tin hiện có.

Do đó, nếu nhóm công ty không ghi nhận số tiền lãi được miễn giảm này thì khoản mục chi phí phải trả ngắn hạn tại ngày 30/6/2017 sẽ tăng lên với số tiền là 84.671.312.439 đồng và các khoản mục thu nhập khác và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc cùng ngày sẽ giảm với cùng số tiền tương ứng”. Như vậy, nếu tính ảnh hưởng của khoản ngoại trừ này, TTF sẽ phải hạch toán lỗ vào nửa đầu năm 2017.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Tài chính TTF cho biết, việc kiểm toán ngoại trừ khoản này không phải vì cách hạch toán sai, mà vì theo quan điểm của kiểm toán, căn cứ pháp lý để hạch toán chưa đầy đủ.

“Trong khi đó, chúng tôi đã có văn bản xác nhận của 3 ngân hàng về việc sẽ giảm lãi vay cho nhóm công ty. Do trong văn bản có một số điểm liên quan đến thời điểm, nên xét theo nguyên tắc thận trọng thì phía kiểm toán ngoại trừ, nhưng chúng tôi phải chắc chắn mới hạch toán”, ông Minh nói.

Phải thu 331 tỷ đồng

Theo ông Minh, doanh thu xuất khẩu của Công ty hiện không còn lớn như trước nữa, do chúng tôi cũng chọn lọc đơn hàng và khách hàng để xuất. Hiện tại, nhà máy của TTF không đáp ứng đủ yêu cầu đơn đặt hàng, nên Công ty phải nỗ lực hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như tăng hiệu quả kinh doanh.

Báo cáo tài chính bán niên của TTF xuất hiện một khoản mục phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng trị giá hơn 331 tỷ đồng. Đây là khoản mục lần đầu tiên có mặt trên báo cáo tài chính của TTF. Ông Minh cho biết, đây là khoản phải thu khách hàng do TTF triển khai thêm dịch vụ mới là thi công, bán kèm sản phẩm.

Trao đổi chi tiết hơn về sản phẩm dịch vụ này, ông Minh cho biết, việc thi công lắp đặt sản phẩm cho khách hàng sẽ giúp Công ty có được biên lợi nhuận lớn hơn, thay vì chỉ bán sản phẩm đơn thuần, đồng thời giúp Công ty đảm bảo được chất lượng sản phẩm sau thi công tốt hơn cho khách hàng.

Hàng tồn kho cao, nợ vay vẫn lớn

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, đại diện Ban lãnh đạo mới của TTF cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của TTF trong thời gian tới là giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, đến 30/6/2017, số dư hàng tồn kho của Công ty (hợp nhất) chỉ giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm 2017, giảm từ mức 1.863,8 tỷ đồng về 1.752,5 tỷ đồng.

Đối với việc tái cấu trúc hệ thống sản xuất, ông Minh cho biết, hiện tại, Công ty vẫn đang trong giai đoạn rà soát, sắp xếp lại quy trình sản xuất… để từ đó tối ưu hóa hệ thống sản xuất hiện tại và có hướng cho kế hoạch đầu tư.

“Chúng tôi vẫn đang trong tình trạng hàng sản xuất không kịp để bán, nên việc đầu tư bắt buộc phải được thực hiện. Trong quá trình đó, Công ty vẫn phải kết hợp xây dựng quy trình mới và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Điểm thuận lợi là anh Tín (ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TTF) là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, nên chắc chắn việc tái cấu trúc và đầu tư mở rộng nhà máy sẽ diễn ra hiệu quả hơn”, ông Minh nhận xét.

Đến giữa năm 2017, dư nợ vốn vay của TTF vẫn còn ở mức rất lớn. Báo cáo hợp nhất cho thấy, Công ty có tổng nợ phải trả lên tới gần 3.565 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 1.083,88 tỷ đồng; vay dài hạn là 1.592 tỷ đồng; ngoài ra còn các khoản phải trả khác.

Đầu năm 2017, ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị TTF và con trai đã có văn bản xin khắc phục một phần hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém. Tuy nhiên, đến thời điểm này, được biết, ông Thành và gia đình vẫn chưa chuyển giao tài sản cho TTF như cam kết.

Chỉ một năm nữa, mọi khó khăn sẽ được giải quyết

Ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TTF

Trong năm 2017, ưu tiên lớn của Ban lãnh đạo TTF trong việc tái cấu trúc Công ty là thực hiện cải tiến về quy trình sản xuất, bố trí nhà xưởng, tận dụng thiết bị, điều chỉnh nhân sự, tăng vốn, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Các cải tiến này đã phát huy tác dụng, dẫn đến doanh thu quý II tăng 150% so với quý I và chắc chắn doanh thu cả năm đạt 1.200 tỷ đồng.

Đối với việc tái cấu trúc tài chính, Gỗ Trường Thành đang chờ giấy phép phát hành từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có và sẽ được thực hiện trong quý III năm nay.

Công ty hiện có 2.600 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn, nhưng chỉ có 1.000 tỷ đồng là nợ ngân hàng. 1.000 tỷ đồng phát hành mới sẽ dùng toàn bộ để trả ngân hàng, giúp Công ty thoát nhóm nợ xấu, sau đó có thể dùng tài sản đã giải phóng thế chấp để thế chấp cho khoản vay mới với lãi suất tốt hơn.

Với việc tái cấu trúc hệ thống nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, đến năm 2018, Công ty sẽ đầu tư thêm thiết bị và mở rộng nhà xưởng từ nguồn thoái vốn và vay thêm; để hướng đến mục tiêu đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, chúng tôi cũng sẵn sàng cho phương án sáp nhập một vài nhà máy khác vào Công ty.

Đối với mục tiêu giải phóng hàng tồn kho, do hầu hết hàng tồn kho đó là hàng thế chấp vay ngân hàng trước đây và đang bị niêm phong. Chỉ sau khi trả dứt nợ ngân hàng mới có thể kiểm đếm chính xác và xác định giá trị, hướng sử dụng... Dự kiến, việc này sẽ diễn ra đầu năm 2018.

Liên quan đến việc hợp tác với Vingroup, trong tổng số 16.000 tỷ đồng doanh thu kế hoạch 5 năm, lộ trình thực hiện dự kiến là 1.000 tỷ đồng năm 2017, 2.000 tỷ đồng năm 2018, 3.000 tỷ đồng năm 2019, 4.500 tỷ đồng năm 2020 và 5.500 tỷ đồng năm 2021. Vingroup cần thành phẩm, chủ yếu là cửa gỗ, một sản phẩm mạnh của Gỗ Trường Thành, nên chúng tôi cũng cần phải đầu tư mở rộng nhiều hơn nữa. tương tự như vậy với Đất Xanh.

Nhìn chung, mọi việc liên quan đến tái cấu trúc TTF đang diễn ra thuận lợi. Tôi tin rằng, khả năng phát hành thành công là cao do Công ty có được đội ngũ nhân sự mới và cũ chất lượng, rất hợp tác; khách hàng ủng hộ. Tôi tự tin là chỉ một năm nữa thôi, mọi khó khăn của TTF sẽ được giải quyết hết.

Tin bài liên quan