ĐHCĐ SHB: “Nóng” vấn đề nợ xấu và sáp nhập

ĐHCĐ SHB: “Nóng” vấn đề nợ xấu và sáp nhập

(ĐTCK) Sáng nay (19/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2014.

13h30, kết thúc đại hội với việc cổ đông thông qua tất cả các tờ trình của HĐQT.

Kết thúc phần hỏi đáp và tiến hành bỏ phiếu thông qua các tờ trình của HĐQT.

* Trong số nợ xấu của SHB, bao nhiêu là nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi?

Ông Lê: Các khoản nợ xấu của SHB đều là nợ có tài sản đảm bảo, ngoại trừ nợ xấu nhóm công ty Vinashin, có một phần có tài sản đảm bảo và một phần không. Khi hạch toán vào nhóm nợ xấu, tức nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5, là chúng tôi đánh giá theo thời gian quá hạn của nợ, chứ không phải là nợ có khả năng thu hồi được hay không.

Trong năm 2013, SHB đã tiến hành phân loại lại khoảng 5.000 tỷ đồng nợ cho khách hàng theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, là những khách hàng có tài sản đảm bảo đầy đủ, có phương án kinh doanh khả thi.

* Lỗ lũy kế của Habubank hiện nay là bao nhiêu? Tôi thấy năm 2013, SHB có khoản hoàn thuế 100 tỷ đồng, vậy năm 2014, Ngân hàng còn được hoàn thuế bao nhiêu? Cổ đông phải chịu lỗ Habubank là bao nhiêu nữa?

Ông Lê: Ngay từ năm 2012, SHB đã bù đắp toàn bộ khoản lỗ Habubank và đã có lãi. Điều này có nghĩa là, lỗ Habubank không còn nữa. Khoản hoàn thuế 100 tỷ đồng là do trong năm 2012, SHB đã có tái cấu trúc tài sản, bán một khoản tài sản thu lời 500 tỷ đồng dẫn đến khoản thuế trích tạm nộp 25% theo quy định, và khi quyết toán thì chúng ta được hoàn nhập lại.

Năm 2014, SHB cũng có khoản hoàn thuế cho khoản thu nhập năm 2013, nhưng SHB chỉ hạch toán sau khi có quyết toán đầy đủ và đúng quy luật pháp luật.

* Chia cổ tức 7,5% năm 2013 là bằng tiền hay bằng cổ phiếu?

Ông Hiển: Việc chia cổ tức sẽ thực hiện bằng tiền trong thời gian tới.

* SHB đánh giá thế nào về khả năng thành công của phương án phát hành tăng vốn điều lệ?

Ông Hiển: tôi cho rằng sẽ rất thành công. Bản thân SHB năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ tốt hơn năm 201. Thêm vào đó, kinh tế vĩ mô thuận lợi, thị trường chứng khoán phát triển tốt, là cơ hội tốt để phát hành thành công và phát huy hiệu quả của nguồn vốn thu về.

* Vì sao đã có mảng ngân hàng bán lẻ, SHB lại muốn sáp nhập công ty tài chính?

Ông Hiển: Đề án phát triển ngân hàng bán lẻ đến năm 2015 của SHB giao Ban điều hành sẽ được trình bày chi tiết cho HĐQT chậm nhất 6 tháng nữa. Tuy nhiên, mô hình phát triển chung, chúng ta vẫn cần phát triển ngân hàng cho vay tiêu dùng. Đây là mảng kinh doanh hiệu quả, cần có nhân sự có chất lượng và kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ căn cứ trên các tiêu chuẩn về con người, tài sản để lựa chọn công ty tài chính phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.

* Cổ đông đề xuất không tăng lương thưởng. Việc tăng lương thưởng phải theo hiệu quả kinh doanh.

Ông Hiển: Việc tăng quỹ lương là để đáp ứng nhu cầu mở rộng hệ thống mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu giữ chân, thu hút nhân sự có chất lượng cao, chứ không hoàn toàn là tăng thu nhập cho cán bộ - công nhân viên.

Năm 2013, thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát đã giảm 20%, của nhân viên, lãnh đạo giảm 10% cho thấy quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống, và bây giờ, chúng ta phải thay đổi để phù hợp với giai đoạn mới.

* Đề nghị Ban lãnh đạo SHB có phương án tái cấu trúc tài sản, đảm bảo hiệu quả tổng tài sản cho toàn hệ thống!

Ông Hiển: Gần như toàn bộ trụ sở, phòng giao dịch, chi nhánh đều được đầu tư bằng bất động sản tự mua, quyền sử dụng lâu dài. Nhiều tài sản được mua từ thời còn là ngân hàng nông thôn, nên đến nay, tôi có thể tự tin là tài sản của SHB được đảm bảo bằng vàng, chứ không phải chỉ là theo VNĐ.

* Nếu phân loại tài sản, nợ xấu của SHB theo Thông tư 02, 09 mới thì nợ xấu của SHB có tăng lên không?

Ông Lê: Chúng tôi đã thực hiện phân loại, đánh giá lại nội bộ, và mức tăng nợ xấu thêm khoảng 1-2%, nhưng trong năm 2014, sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% như trình ĐHCĐ.

11h05 bắt đầu phần hỏi đáp.

10h45, ĐHCĐ biểu quyết thông qua các tờ trình.

10h35, HĐQT trình xin bổ sung ngành nghề kinh doanh và tờ trình uỷ quyền HĐQT quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ như bổ sung ngành nghề kinh doanh, mua lại cổ phần đã bán; đầu tư, mua, bán tài sản có giá từ 20% trở lên vốn điều lệ SHB...

Đồng thời, HĐQT cũng trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Đàm Ngọc Bích và ông Phạm Hồng Thái theo nhu cầu của cá nhân bà Bích và theo yêu cầu thoái vốn Nhà nước của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tại SHB.

Đồng thời, SHB xin giảm 1 nhân sự của HĐQT về 6 người, nên bầu bổ sung 1 thành viên mới là ông Đỗ Quang Huy, sinh năm 1956, có kinh nghiệm làm tại Sở Thương mại Hà Nội và Tập đoàn T&T.

10h30: ông Trần Ngọc Linh, thành viên HĐQT SHB trình phương án tái cấu trúc một công ty tài chính thông qua việc sáp nhập.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, công ty tài chính có thế mạnh về nhân sự tài chính, đầu tư, phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ đến 2015 của SHB.

"Tất nhiên, lựa chọn công ty tài chính nào, HĐQT sẽ cân nhắc kỹ để đảm bảo lợi ích cho cổ đông", ông Hiển nói.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, năm 2013 đã chứng minh những lợi ích của việc sáp nhập với Habubank, điều mà nhiều cổ đông trước đó còn lo ngại. Cụ thể, SHB đã kiểm soát được toàn bộ các khoản nợ, giảm và từng bước thu hồi nợ xấu của Habubank cũ. Hệ thống mạng lưới, nhân sự của Habubank cũng đã phát huy hiệu quả, nhiều chi nhánh, phòng trước kia bị lỗ, nay đã có lãi.

10h15, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB đọc tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2013 và tăng vốn điều lệ.

Tỷ lệ chia cổ tức năm 2013 là 7,5%. Việc tăng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng được thực hiện thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

10h, ông Lê Quang Thung, thành viên HĐQT đọc báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của HĐQT năm 2013.

Năm 2014, SHB đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác quản trị, điều hành, hoàn thiện hệ thống thể chế, quy chế; nâng cao công tác quản trị rủi ro; đẩy mạnh giao dịch quốc tế nhằm thu hút vốn nước ngoài, ODA, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài hiện mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của SHB.

Mục tiêu của việc lựa chọn này là chọn ra đối tác đủ năng lực tài chính, có năng lực về tài chính và đủ khả năng hỗ trợ SHB thực hiện chiến lược phát triển.

9h50, ông Phạm Hoà Bình, Trưởng Ban kiểm soát SHB đọc báo cáo Ban Kiểm soát về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Ban Kiểm soát trong năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014.

Theo Ban Kiểm soát, cuối năm 2013, SHB có 95 nhân sự Ban Kiểm toán nội bộ, thực hiện 45 cuộc kiểm toán nội bộ. Ban Kiểm soát kiến nghị tiếp tục bổ sung để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ toàn hệ thống năm 2014.

9h30, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 và kế hoạch năm 2014.

Năm 2014, SHB đặt kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cuối năm về mức tối đa 3%, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn, hạn chế phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn; đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ.

Các chỉ tiêu tài chính năm 2014: tổng tài sản tăng 25,3%, lên mức 180.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.082 tỷ đồng, tăng 24,9%; huy động vốn từ thị trường 1 là 135.000 tỷ đồng, tăng 24,8%; dư nợ cấp tín dụng 102.100 tỷ đồng, tăng 22,8%; lợi nhuận trước thuế 1.270 tỷ đồng, tăng 26,9%.

Năm 2014, SHB cũng dự kiến mở mới chi nhánh tại Quảng Ngãi, Tây Ninh và một số thành phố khác, mở mới 24 phòng giao dịch, 10 chi nhánh tại nước ngoài sau khi nâng cấp chi nhánh tại Lào, Campuchia thành Ngân hàng con 100% vốn.

Năm 2013, SHB giảm 86 nhân viên, dù số nhân viên toàn hệ thống SHB (bao gồm các công ty con) vẫn tăng.

9h15 phút, ĐHCĐ bắt đầu với 887 cổ đông có mặt và uỷ quyền (tính đến 9h10), đại diện cho gần 607 triệu cổ phần có quyền biểu quyết tham dự họp ĐHCĐ.

Tin bài liên quan