Triết lý sống và kiếm tiền của ông trùm vàng bạc, đá quý Vũ Minh Châu

Triết lý sống và kiếm tiền của ông trùm vàng bạc, đá quý Vũ Minh Châu

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn, rồi từ đó xây dựng tên tuổi cho một doanh nghiệp uy tín trong ngành vàng - Bảo Tín Minh Châu, TGĐ Vũ Minh Châu là người có nhiều đam mê, chiêm nghiệm, luôn muốn phát triển cân bằng cả ba yếu tố: Tiền bạc - Sức khỏe - Văn hóa. Bên cạnh công việc kinh doanh, ông đang cố gắng truyền tinh thần đó ra cộng đồng.

 

Triết lý sống và kiếm tiền của ông trùm vàng bạc, đá quý Vũ Minh Châu ảnh 1 

 

Thương trường thành hội trường

 

“Thương trường là hội trường, đối thủ thành đối tác”, đó là câu nói mà ông đúc kết từ bao nhiêu năm kinh doanh, nay được treo tại một vị trí nổi bật trong phòng làm việc. Tôi đến phỏng vấn ông tại thời điểm mà câu chuyện khó khăn của ngành vàng đang rất nóng. Và cũng trong bối cảnh ấy, câu nói của ông đã được khẳng định, khi mà các doanh nghiệp vàng đã có thể ngồi lại với nhau.

 

Ngày hôm nay bạn đến đây thì thực sự thương trường đã thành hội trường. Tôi cho rằng môi trường kinh doanh là nơi để kiếm tiền, nhưng cũng đồng thời phải là nơi để tất cả đều thành công hơn, môi trường tốt đẹp hơn. Còn chiến trường, đó là nơi khắc nghiệt, người ta có thể dùng mọi thủ đoạn để giành giật khách hàng, hạ gục đối thủ, hạ gục những người đồng nghiệp của mình, đó cũng là nơi người ta xả súng vào kẻ thù, người này sống thì người kia chết. Còn thương trường là nơi mà mình kinh doanh, họ cũng kinh doanh, cùng trông vào một thị trường, thế thì tại sao lại coi nhau là kẻ thù như trên chiến trường? Tại sao không hợp tác với nhau, vì mỗi người có một thế mạnh riêng và phân khúc thị trường riêng. Các doanh nhân nên gặp nhau thường xuyên để trao đổi về kinh nghiệm quản lý, hợp tác với nhau, cho nhau mượn vốn… Ngoài ra, trong kinh doanh có những vấn đề liên quan đến chính sách, nếu các doanh nghiệp coi nhau là bạn thì sẽ dễ dàng ngồi lại với nhau để mạn đàm, trao đổi… lúc ấy, tôi coi đó là một hội trường.

 

- Nhưng từ khi nào và vì sao mà ông đúc rút ra câu nói này?

 

Trong suy nghĩ của tôi thì từ lâu rồi, vài năm sau khi bước vào kinh doanh tôi đã nhận thấy rằng trên thị trường có những sự cạnh tranh không lành mạnh. Đến năm 2007 tôi mới đúc kết ra câu nói này. Bản thân tôi luôn coi họ là bạn hàng, đồng nghiệp. Sẵn sàng chia sẻ với họ những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, về hoạt động marketing, chăm sóc sức khỏe, mời họ đến thăm doanh nghiệp, dẫn họ ra nước ngoài để chỉ cho họ nơi mua sắm máy móc thiết bị chứ không giấu diếm gì cả.

 

- Ông không sợ rằng chia sẻ hết như thế rồi thì mình không có sự khác biệt hay thế mạnh riêng nữa sao?

 

Tôi chẳng lo. Dù có thể biết mua sắm máy móc ở đâu, có thể biết cách làm, nhưng khả năng thực hiện của mỗi người một khác. Cũng như trong một lớp, cùng một thầy giáo dạy nhưng có người học giỏi, có người lại học kém. Với những kiến thức phổ thông về nghề nghiệp, tôi rất sẵn sàng chia sẻ và tôi tạo mối quan hệ hợp tác với họ để cùng phát triển. Chính cách làm đó cũng giúp cho công việc của mình trở nên hiệu quả hơn, thuận lợi hơn và cũng vui vẻ hơn. Thế nên tất cả các doanh nghiệp vàng bạc, tôi chẳng coi ai là đối thủ cả, đều coi là bạn bè hết.

 

- Được biết các doanh nghiệp ngành vàng đang dự thảo một kiến nghị gửi một số hiệp hội có liên quan về chính sách quản lý và điều hành thị trường vàng. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về bản kiến nghị này không?

 

Về biên độ lãi, với chứng khoán và ngân hàng thì nhà nước đã có chế tài quản lý, nhưng riêng ngành vàng thì chưa. Cho nên lâu nay các doanh nghiệp vàng cứ tự ý điều chỉnh biên độ này một cách thoải mái, dẫn đến tình trạng phá giá thị trường. Trong thời điểm này, chúng tôi cùng soạn thảo một đơn kiến nghị gửi lên Hiệp hội Kinh doanh vàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ… đề nghị nhà nước có sự điều chỉnh về chính sách. Bản thân tôi là người soạn thảo ra văn bản đó và gửi tới một loạt doanh nghiệp vàng bạc, họ đồng thuận… Một ví dụ rất sống động cho câu nói của tôi: thương trường đã thành hội trường. Đó là vì lợi ích chung của ngành vàng, xuất phát trên cơ sở rất thực tế, phân tích số liệu. Ngày xưa bỏ ra 500.000 đồng để được lãi 10.000 đồng, bây giờ bỏ ra 4 triệu đồng cũng lãi chừng đó, giảm đi đến 8 lần.

 

- Có thể nói, đây cũng là thời điểm lao đao của các doanh nghiệp vàng, vậy đâu là những vấn đề về chính sách khiến cho doanh nghiệp gặp khó?

 

Ngoài chuyện quản lý biên độ ra thì vẫn là câu chuyện xuất nhập khẩu vàng. Dẫn đến tình trạng có những thời điểm mà hàng xuất khẩu đi quá nhiều. Nhập khẩu thì có quota, còn xuất khẩu thì hầu như không cần quota. Vì vậy mà có những lúc vàng vật chất trong nước bị cạn kiệt. Đến khi giá vàng thế giới có dấu hiệu tăng, hoặc khi đồng tiền có dấu hiệu mất giá thì người dân bắt đầu nghĩ đến vàng và đổ xô đi mua, khi ấy thì không còn vàng nữa! Giá vàng khi ấy được đẩy cao hơn giá của thế giới rất nhiều. Hiện nay đã bắt đầu có những chính sách điều tiết trong việc xuất vàng nguyên liệu đấy.

 

- Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu ra sao, thưa ông?

 

Sụt giảm nghiêm trọng, nhiều thời điểm bị thua lỗ. Cũng có những thời điểm bán được ra nhưng lãi suất lại quá mỏng, không bù được chi phí vận hành. Người ta chấp nhận biên độ lãi thấp quá, mình mà giãn rộng quá thì lại mất khách, thế là cũng phải theo họ thôi.

 

- Vậy ông làm thế nào để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh?

 

Chúng tôi vận động các doanh nghiệp bạn nâng biên độ lãi tới mức an toàn. Tôi kêu gọi mọi người không phá giá thị trường và bản thân chúng tôi phải đi trước, luôn có một biên độ lãi thích hợp, không chủ động co hẹp mà giãn ra rộng nhất có thể được, bởi vì cũng nhiều doanh nghiệp dựa trên mức của chúng tôi để qui định giá. Vì thế, chúng tôi cần sự đồng thuận của các doanh nghiệp khác và sự can thiệp của nhà nước về chính sách.

 

Phải biết điểm dừng

 

- Là người làm kinh doanh vàng nhưng tôi thắc mắc vì sao ông lại trăn trở và chiêm nghiệm nhiều về về văn hóa, về lịch sử như thế?

 

Từ nhỏ, tôi đã muốn một cuộc sống toàn diện. Và muốn toàn diện thì cùng một lúc phải phấn đấu đạt được 3 yếu tố: tiền bạc, sức khỏe và văn hóa. Ba yếu tố đó phải luôn đồng hành cùng nhau. Đó là 3 chân kiềng cho bất cứ ai có thể tồn tại chứ không chỉ riêng tôi. Tôi muốn cân bằng cả ba yếu tố đó để có thể sống, làm việc và phát triển một cách bền vững.

 

- Thế hiện tại ông có nhìn thấy sự mất cân bằng giữa 3 yếu tố đó trong xã hội chúng ta không?

 

Hầu hết chúng ta đang mất cân bằng. Cụ thể là rất nhiều doanh nhân cứ mải miết kiếm tiền mà không quan tâm đến sức khỏe, rất nhiều người mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo. Phải có đầy đủ cả ba yếu tố mà tôi vừa nói đến thì mới gọi là giàu được.

 

- Vậy đến thời điểm này ông nghĩ mình đã đủ giàu chưa?

 

Ba thứ đó là những điều mà tôi đã phấn đầu từ lâu, suốt cả cuộc đời. Cho đến thời điểm này các tiêu chí đó đã ngày càng đầy lên, bồi đắp lên theo thời gian và theo sự cố gắng của mình.

 

- Nhưng đã là nhu cầu thì liệu có giới hạn không?

 

Tiền bạc, sức khỏe và văn hóa, đó là 3 chân kiềng để bất cứ ai có thể tồn tại. Tôi muốn cân bằng cả ba yếu tố đó để có thể sống, làm việc và phát triển một cách bền vững.

Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi người. Tôi nghĩ tiền bạc cũng chỉ nên có đến một mức độ nào đó thôi. Không nên kiếm quá nhiều ngoài mức cần thiết. Thế nên tôi cũng có một câu là: “Người thông minh biết kiếm tiền đến mức cần thiết”. Phải có một điểm tương đối để dừng, và phải biết tự kiềm chế, mình tiêu đến đâu kiếm đến đấy. Đừng nên kiếm nhiều quá để người khác lại thiếu. Cũng như miếng bánh thị trường, đừng nên vơ vào mình quá nhiều, phải biết nhường miếng bánh thị phần cho doanh nghiệp bạn nữa.

 

- Lúc nãy ông có nhắc đến điểm tương đối để dừng, vậy trong doanh nghiệp có nên áp dụng điều này không?

 

Tôi nghĩ là có. Đến thời điểm nào đó ta nên giảm tốc độ lại. Bảo Tín Minh Châu vẫn duy trì ở mức là một trong những doanh nghiệp hàng đầu, chỉ cần giữ một khoảng cách phù hợp với các doanh nghiệp khác thôi, không nên phát triển quá nhanh, vượt trội và tạo ra một khoảng cách quá lớn không cần thiết. Trên thực tế tôi đã trích một phần nguồn lực từ Bảo Tín Minh Châu sang đầu tư cho công ty dược để góp phần cân bằng ba yếu tố đó.

 

- Giảm tốc độ của doanh nghiệp mình, ông không sợ bị vượt sao?

 

Phải vừa đi vừa quan sát để điều chỉnh tốc độ của mình chứ! Nhưng cũng không cần thiết phải bỏ ra quá nhiều nguồn lực để bỏ họ quá xa. Chỉ cần là ngọn cờ để đưa các doanh nghiệp trong ngành vẫn phát triển và tiến kịp với thế giới. Tôi không muốn lớn quá để rồi giành giật tất cả các miếng bánh thị phần vào tay mình.

 

- Với cách tư duy đó ông có cho rằng mình là người không có nhiều tham vọng?

 

Đúng rồi đấy, tôi chỉ cần kha khá thôi. Không bao giờ muốn mình quá giàu rồi lại có những doanh nghiệp phải nghèo đi, thậm chí là sập tiệm. Tôi muốn nhìn thấy hình ảnh  các doanh nghiệp cùng nắm tay thân thiện, cuộc sống vui vẻ, hòa thuận.

 

- Nhưng từ thời điểm Bảo Tín Minh Châu là con số không, chắc chắn ông phải có tham vọng thì mới gây dựng được vị thế của cho công ty như ngày hôm nay chứ?

Tôi không muốn mình quá giàu rồi lại có ai đó phải sập tiệm. Tôi muốn thấy các doanh nghiệp cùng nắm tay vui vẻ và hòa thuận

 

Khi tôi khởi nghiệp cũng là lúc nhà nước bắt đầu cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Tức là tất cả mọi người đều cùng ở một điểm xuất phát. Cũng bắt đầu tự đi vay vốn, tự mày mò học nghề, rồi đi ra nước ngoài để học hỏi, tìm đối tác rồi mua sắm trang thiết bị. Thực sự, nhìn lại thì tôi chỉ làm việc mẫn cán, yêu nghề một cách tự nhiên thôi, chứ không hề tham vọng là doanh nghiệp của mình phải vươn lên hàng đầu. Cứ làm vì say mê, rồi nó phát triển lên đến mức nào mình cũng không hay (cười).

 

- Ông nhìn thấy sự mất cân bằng, vậy với cương vị là người chèo léo một doanh nghiệp, ông làm gì để góp phần tạo ra sự cân bằng?

 

Trước hết tôi chia sẻ và tạo sức lan tỏa đến từng thành viên trong công ty, sau đó là đến gia đình của họ. Tôi cũng trao đổi với các đồng nghiệp, đối tác, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng để mong rằng mọi người sẽ chia sẻ, áp dụng và xã hội sẽ phát triển.

 

- Đó có phải là lý do mà Bảo Tín Minh Châu có nét văn hóa rất chuẩn mực về cách ăn mặc, hành xử, và cả cách để kiểu tóc… Có bao giờ ông và nhân viên thấy lạc lõng trong bối cảnh xã hội hiện nay không?

 

Không bao giờ. Không bao giờ chúng tôi để chậm một nhịp nào hết. Nhân viên của tôi được trang bị iPhone, iPad…, công nghệ cập nhật rất nhanh. Chúng tôi chọn những cái tinh hoa, tiến bộ nhất của nhân loại để vận dụng vào doanh nghiệp mình. Có rất nhiều thứ chúng tôi đã đi trước, ví như làm ISO, hay khi trên thị trường mọi người còn chưa biết đến thương hiệu là gì thì chúng tôi đã tính chuyện xây dựng thương hiệu. Rồi chúng tôi làm thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, cho cán bộ đi học tại các trường doanh nhân. Chúng tôi chắt lọc tinh hoa của đông tây kim cổ và đi trước chứ không đi sau.

 

- Ông đã làm đông dược như một niềm đam mê, vậy con đường ông đến với đông dược như thế nào? Mục đích cuối cùng mà ông hướng tới khi mở rộng kinh doanh và phát triển sản phẩm đông dược là gì?

 

Ngày trước, khi cuộc sống còn nghèo túng, tôi dành hết mọi tâm lực cho kinh tế. Mẹ tôi ngày xưa cũng buôn bán vàng, nhưng theo kiểu thủ công, mua của người này cái dây, đi thuê người đánh lại thành cái nhẫn, rồi bán cho người khác nữa, lấy chút lãi để nuôi con cái. Tôi phụ mẹ làm chân chạy loong toong, lúc mẹ sai đi ra thợ đánh cho chiếc nhẫn, cái dây, tôi mới học mót được nghề chế tác vàng bạc. Cứ thế mà đến với nghề, lớn lên với nghề và phát triển nhờ nghề. Nhưng khi tôi mải mê làm kinh tế, tôi đã suýt chết. Tôi bị loãng xương nghiêm trọng, rồi viêm gan siêu vi trùng… Tôi đã giật mình và quyết liệt quay lại với sức khỏe. Đó là một trong những động lực đưa đẩy tôi đến với nghề thuốc.

 

Tôi thấy nền y học của chúng ta nghèo nhưng người ta lại lợi dụng y học để kiếm tiền hơn là chăm sóc sức khỏe cho người khác. Tôi đầu tư và nâng cao cho nghề thuốc để trước hết là chăm sóc được cho những người ở bên cạnh tôi, đó là gia đình, bạn bè, người thân, nhân viên, cộng sự đối tác và cả cộng đồng.

 

- Xin cảm ơn ông!