Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân sai phạm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân sai phạm

Có đến 41 đơn vị, 165 cá nhân liên quan tới những sai sót tại Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 đã phải nhận những mức kỷ luật khác nhau từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.     

Phạt nhiều, thu hồi triệt để

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1725/KL-BGTVT về Dự án xây dựng 133 đường ngang qua đường sắt trên toàn quốc, do VNR làm chủ đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là Tổng công ty đã thực hiện xong việc giảm trừ tài chính theo kiến nghị của Thanh tra Bộ GTVT, đồng thời  xử lý nhiều tập thể, cá nhân liên quan.

VNR cảnh cáo 1 trường hợp và chậm nâng lương 6 tháng, khiển trách 8 trường hợp và chậm tăng lương 1 năm 4 trường hợp. Tổng công ty đã phê bình, rút kinh nghiệm đối với 156 nhân viên của các ban, phân ban, các đơn vị nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công dự án

Về xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, Phó tổng giám đốc VNR Đới Sỹ Hưng khẳng định, các đơn vị của Tổng công ty, các tư vấn thiết kế và các đơn vị thi công đã tổ chức triển khai thực hiện, nghiêm túc kiểm điểm những sai sót nêu trong Kết luận thanh tra. Đã xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân theo thẩm quyền, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo ông Đới Sỹ Hưng, đến thời điểm này, đã có 30 đơn vị thi công, 5 đơn vị tư vấn thiết kế; 3 phân ban quản lý hạ tầng khu vực và 3 ban của Tổng công ty, Tổ thẩm định đều nhận khuyết điểm và nhận mức kỷ luật là nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.

Về cá nhân, VNR cảnh cáo 1 trường hợp và chậm nâng lương 6 tháng, khiển trách 8 trường hợp và chậm tăng lương 1 năm 4 trường hợp. Tổng công ty đã phê bình, rút kinh nghiệm đối với 156 nhân viên của các ban, phân ban, các đơn vị nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công dự án.

“Đây là số lượng tổ chức, cán bộ phải chịu hình thức kỷ luật lớn nhất tại một dự án hạ tầng đường sắt”, một lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Trong đó, về xử lý kỹ thuật tại hiện trường, Tổng công ty đã hoàn thành việc xử lý tồn tại ở hiện trường trước ngày 25/3 vừa qua. VNR đã chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện sửa chữa khắc phục các tồn tại theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt; một vài vị trí bất khả kháng do liên quan đến giải phóng mặt bằng, hoặc một số hạng mục khác so với thực tế hiện trường như trồng cọc tiêu, hàng rào… mà không thể thực hiện được thì lập biên bản xác nhận để giảm trừ theo quy định.

Về xử lý tài chính, đến nay đã hoàn tất thủ tục giảm trừ, trong đó công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán, VNR đã rà soát lại đơn giá, định mức, giảm trừ giá trị hợp đồng các gói thầu tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, giảm trừ giá trị 594.902.322 đồng.

Về công tác lập báo cáo kinh tế kỹ thuật - dự toán, Tổng công ty đã tổ chức mời các tư vấn họp để rà soát thu hồi kinh phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật theo Kết luận thanh tra. Kinh phí giảm trừ giá trị 430.967.264 đồng...

Sai sót ở hầu hết các khâu

Trước đó, Kết luận thanh tra của Bộ GTVT về công tác tổ chức, quản lý và thực hiện Dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang năm 2015 theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (133 đường ngang), do VNR làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư lên tới 170 tỷ đồng cho thấy, sai sót xuất hiện ở hầu hết các khâu

Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các hạng mục nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trong năm 2015, đơn vị thực thi nhiệm vụ đã khảo sát thiếu chính xác khoảng cách từ đường dây thông tin hiện có tới đường sắt, dẫn tới thiết kế các cột bê tông điện lực số lượng quá mức cần thiết.

Bên cạnh đó, thiết kế quá mức cần thiết hạng mục cải tạo nâng cấp quốc lộ chạy song song với đường sắt của các đường ngang: Km23+687, Km24+520, Km 27+212, Km31+717, Km90+931, Km105+135, Km 106+800, Km119+200. Điều đáng nói là, sau khi cải tạo, nâng cấp, kích thước hình học độ dốc vẫn vi phạm quy định về đường ngang. Đặc biệt, đối với đường ngang Km7+528, công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định và phê duyệt ngoài phạm vi của dự án với giá trị lên tới gần 1 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, VNR đã lập kế hoạch đấu thầu phân chia các gói thầu theo từng đường ngang, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu rút gọn (giá gói thầu dưới 500 triệu đồng) là chưa hợp lý, làm tăng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.

Đối với các đường ngang Km782+690, đường ngang Km783+372, đường ngang Km 784+895 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, chủ đầu tư đã thực hiện công tác đấu thầu, chỉ định thầu, công tác ký kết và thực hiện đầu tư và kế hoạch vốn là chưa đầy đủ trình tự, thủ tục về quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định.

Đối với 133 gói thầu bảo hiểm, dù theo đặc điểm và tính chất của công trình có thời gian thi công ngắn (khoảng 1 tháng), nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, giá trị bảo hiểm thấp, nhưng chủ đầu tư vẫn thực hiện trình tự như một gói thầu là không phù hợp, điều này đã làm tăng chi phí của các dự án.

Không chỉ làm thất thoát chi phí, công tác quản lý chất lượng, khối lượng thi công xây dựng cũng không được coi trọng. Trong quá trình thực hiện Dự án, VNR không phân công một bộ phận chuyên trách. VNR đã chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế khắc phục các tồn tại theo đúng hồ sơ thiết kế.

Tin bài liên quan