Xuất khẩu thép của Việt Nam đang gặp khó khăn do các rào cản, phòng vệ thương mại từ nhiều nước

Xuất khẩu thép của Việt Nam đang gặp khó khăn do các rào cản, phòng vệ thương mại từ nhiều nước

TLH: Lãi lớn vẫn ngại rủi ro

(ĐTCK) Lợi nhuận ở mức cao, với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2016 là 5.493 đồng, năm 2017 là 3.724 đồng và dự kiến đạt 3.045 đồng năm 2018, nhưng giá cổ phiếu TLH của Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên vẫn chỉ loanh quanh mệnh giá.

Tài chính hấp dẫn

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2016 của Thép Tiến Lên, năm 2016, Công ty đạt hơn 4.042 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 456,9 tỷ đồng, EPS đạt 5.493 đồng.

Năm 2017, Thép Tiến Lên đạt gần 4.972 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 340,7 tỷ đồng, EPS đạt 3.724 đồng.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Công ty lên kế hoạch chia cổ tức năm 2017, tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận năm 2017, trong đó 5% bằng tiền đã tạm ứng trong năm 2017; 5% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu dự kiến sẽ chia trong năm 2018.

Trong năm 2018, Thép Tiến Lên đặt kế hoạch 278,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS 3.045 đồng. Riêng việc chia cổ tức năm 2018, Công tyđề nghị Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị căn cứ và kết quả sản xuất - kinh doanh trong năm để ra quyết định hình thức, tỷ lệ và thời điểm chi trả thích hợp.

Với mức giá cổ phiếu hiện nay dưới 11.000 đồng/cổ phiếu, việc Thép Tiến Lên sẽ chia cổ tức 15% vốn điều lệ, duy trì kế hoạch EPS hơn 3.000 đồng là thông tin hấp dẫn. Đặc biệt, nhìn vào định giá P/E của thị trường đang ở quanh mức 20 lần, thì cổ phiếu TLH đang bị định giá thấp khi P/E chỉ hơn 3 lần.

E ngại rủi ro

Điều gì khiến cổ phiếu TLH bị định giá thấp như vậy, dù thanh khoản cổ phiếu mỗi phiên đạt vài trăm nghìn đơn vị, có phiên lên tới hàng triệu đơn vị?

Về mặt cấu trúc tài chính, ở thời điểm 31/12/2017, Thép Tiến Lên chỉ có vay nợ ngắn hạn, với tổng số dư phải trả 1.320,8 tỷ đồng. Trong số này, các khoản mục lớn nhất bao gồm gần 314 tỷ đồng nợ phải trả người bán, 953 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trên tổng vốn chủ sở hữu 1.574,1 tỷ đồng.

Về tài sản, tài sản lớn nhất của Thép Tiến Lên là hàng tồn kho, với giá trị hàng tồn kho sau trích lập dự phòng là 1.477 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có 160 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 608,7 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng mạnh từ mức 231,8 tỷ đồng đầu năm 2017 lên gần 586 tỷ đồng vào cuối năm. Ngoài 3 khoản lớn này, Công ty có 634 tỷ đồng tài sản dài hạn, trong đó tài sản cố định hữu hình 198 tỷ đồng, tài sản cố định vô hình 121,8 tỷ đồng, đầu tư dài hạn (công ty con, công ty liên kết) 217,4 tỷ đồng...

Với cơ cấu tài sản - nguồn vốn trên, Thép Tiến Lên không quá nhiều khác biệt so với các doanh nghiệp thương mại thép khác. Nhìn nhận về việc cổ phiếu TLH bị định giá thấp, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, có lẽ do đặc trưng biến động ngành thép và do TLH là doanh nghiệp làm thương mại.

“Năm 2016, Thép Tiến Lên lãi lớn là do giá thép tăng mạnh. Đây là năm doanh nghiệp thép nào càng có nhiều hàng tồn kho thì càng lãi lớn. Năm trước đó, công ty này lỗ nặng (lỗ 169,3 tỷ đồng). Năm 2017, Thép Tiến Lên vẫn lãi lớn, nhưng ngành thép năm 2018 dự báo có nhiều biến động khó lường, nên thị trường vẫn coi đây là ngành rủi ro. Lãi hôm nay nhưng có thể lỗ ngày mai”, ông Đỗ thái Hưng, Phụ trách phân tích, Công ty Chứng khoán Đại Nam nói.

Năm 2017, tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của Thép Tiến Lên là 12%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu đạt 7%. Năm 2018, nếu Công ty hoàn thành kế hoạch 4.725 tỷ đồng doanh thu, 278,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu là gần 5,9%. Tỷ suất này không nhỏ nếu doanh nghiệp làm thương mại, nhưng với nhóm sản phẩm có mức biến động lớn như thép và các hợp kim, thì tình trạng năm nay lãi lớn, năm sau hết lãi, thậm chí thua lỗ là có thể xảy ra, nếu Công ty tính toán sai một bước.

Tin bài liên quan