TKV “mạnh dạn” đặt mục tiêu cao trong giai đoạn mới

TKV “mạnh dạn” đặt mục tiêu cao trong giai đoạn mới

(ĐTCK) Mặc dù kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là chưa thực sự đạt kỳ vọng, song Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn đặt mục tiêu doanh thu xấp xỉ 650.000 tỷ đồng cho kế hoạch 5 năm 2016-2020. 

Đây được coi là đích đến khá mạnh dạn của TKV trong bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng thế giới diễn biến phức tạp và ngành khai thác khoáng sản nói chung gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh và khai thác trong giai đoạn 2011-2015 tại Hội nghị Tổng kết năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 mới đây, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, tổng doanh thu trong giai đoạn này của toàn Tập đoàn đạt 520.776 tỷ đồng, đạt 112% so với kế hoạch đề ra (đã trừ phần của Tổng công ty Đông Bắc tách ra khỏi Tập đoàn quản lý từ 1/1/2014).

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt mục tiêu như tổng sản lượng than, khoáng sản, điện 5 năm đều đạt thấp, tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm chỉ đạt 80% kế hoạch. Về hiệu quả kinh doanh, do sản xuất khó khăn nên lợi nhuận các năm 2012-2014 giảm mạnh, chỉ đạt 2-3 nghìn tỷ đồng/năm so với kế hoạch 7-9 nghìn tỷ đồng/năm.

Phân tích nguyên nhân chủ yếu khiến TKV không đạt được các mục tiêu, ông Hải cho biết, trước hết do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế nên sản lượng than cũng như giá bán xuất khẩu giảm mạnh; Trong khi đó, chi phí sản xuất ngày càng tăng do điều kiện khai thác khó khăn hơn, từ đó làm giá thành tăng bình quân 4-5%/năm.

Sản lượng khai thác giảm sút cũng khiến chi phí cố định tính cho 1 tấn than tăng; chưa kể tới việc các loại thuế, phí tăng cao như thuế tài nguyên (năm 2007 bình quân 7.000 đồng/tấn, năm 2015 bình quân 186.000 đồng/tấn than tiêu thụ), bổ sung tiền cấp quyền khai thác 2%, chi phí sử dụng tài liệu thăm dò…

Ngoài ra, tồn tại một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như công tác quản trị DN tuy có cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai trong năm 2015, gây thiệt hại nặng nề cho ngành than…

Nhận định về xu hướng phát triển giai đoạn 5 năm tới, bên cạnh những thuận lợi như nhu cầu than trong nước tăng cao, mô hình tổ chức cơ chế quản lý trong các năm qua đã ngày một hoàn thiện, ông Hải cho biết, TKV sẽ phải chịu nhiều tác động khó khăn chung trong ngành khai thac than và khoáng sản như giá bán thấp, trong khi các loại thuế, phí tăng cao khiến lợi nhuận ngành than sẽ giảm mạnh.

Cùng với đó, Luật Bảo hiểm xã hội mới áp dụng từ năm 2016 khiến chi phí bảo hiểm xã hội năm 2016 tăng trên 300 tỷ đồng và đến năm 2018 tăng trên 1.000 tỷ đồng, tạo nên gánh nặng lớn cho TKV, bởi đặc thù ngành than là nhiều lao động.

Đặc biệt, theo nhận định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm 2016, sản xuất của ngành than chắc chắn sẽ hết sức khó khăn, nhất là về giá bán, khi có khả năng chịu tác động đáng kể trước xu hướng giảm mạnh liên tục của giá dầu.

Mặc dù dự báo nhiều khó khăn, song TKV vẫn mạnh dạn đưa ra mục tiêu khá kỳ vọng cho 5 năm tới. Các chỉ tiêu cụ thể cho kế hoạch 5 năm (2016-2020) bao gồm: tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,5 - 7%/năm, đến năm 2020 sản lượng than thương phẩm đạt tối thiểu 42 triệu tấn.

Bên cạnh đó, TKV tập trung thăm dò, đánh giá trữ lượng than - khoáng sản để sớm hoàn thành thăm dò vùng than Quảng Ninh (xác định rõ trữ lượng cả về khối lượng và chất lượng từng khoáng sản sẽ được huy động vào khai thác) phục vụ cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, giai đoạn đến năm 2025 và sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Ưu tiên thăm dò vùng than Đông Bắc để nâng cấp trữ lượng than, phục vụ thiết kế cải tạo, mở rộng các mỏ hiện có, lập dự án đầu tư các mỏ mới có công suất lớn.

Về công nghiệp điện, tập trung vận hành ổn định, phát huy công suất các nhà máy điện hiện nay và đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành thương mại Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, Quỳnh Lập 1 để có thể đưa vào phát điện từ năm 2018 - 2020.        

Tin bài liên quan