Theo Vinatex, có thể sau IPO 3 năm, doanh nghiệp mới tính đến việc niêm yết

Theo Vinatex, có thể sau IPO 3 năm, doanh nghiệp mới tính đến việc niêm yết

Thiếu động lực thúc doanh nghiệp lên sàn

(ĐTCK) Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong 6 tháng đầu năm nay, trên cả hai sàn chỉ có 7 doanh nghiệp mới lên niêm yết, trong khi số doanh nghiệp bị hủy niêm yết lên tới con số 22. Đây cũng là tình trạng phổ biến trong vài năm trở lại đây. Sự “hao hụt” cổ phiếu trên sàn đang là một câu hỏi lớn đối với thị trường lẫn cơ quan quản lý.

Nguy cơ hao hụt hàng hóa

Đại diện HOSE cho biết, trong tháng 7 này, Sở sẽ đón nhận thêm một số gương mặt mới. Cụ thể, ngày 8/7, CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang sẽ niêm yết hơn 17,47 triệu cổ phiếu. Cũng trong ngày 8/7, CTCP Cảng Cát Lái đưa 24 triệu cổ phiếu CLL lên niêm yết trên HOSE.

Ngoài ra, tại HOSE có 2 doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Thế giới di động và CTCP Thủy điện miền Nam đã được chấp thuận niêm yết trong tháng 6 vừa qua. Hai doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ xin niêm yết là CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất và CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển. Bên cạnh đó, Thiên Việt đặt kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong quý III này.

Tuy nhiên, CTCP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông dù đã lên kế hoạch lên sàn vào quý III nhưng lại vừa có công văn đề nghị rút hồ sơ đăng ký niêm yết do vẫn chưa sẵn sàng. Nguyên nhân là do Công ty đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 320 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng và muốn thực hiện việc tăng vốn trước khi lên sàn.

6 tháng đầu năm 2014, sàn HOSE chỉ đón nhận duy nhất một mã cổ phiếu mới, đó là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV  (chào sàn ngày 24/1/2014).

Trên sàn HNX, theo ghi nhận của ĐTCK, 6 tháng đầu năm, sàn này cũng chỉ đón nhận 3 doanh nghiệp mới lên niêm yết. Đó là CTCP Thủy điện Miền Trung - EVNCHP (CHP), niêm yết 120 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp thủy điện thứ 6 lên niêm yết và lọt vào Top những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn của HNX; CTCP Phân lân Ninh Bình (NFC), vốn điều lệ gần 105 tỷ đồng; CTCP Khoáng sản và luyện kim màu (KSK), vốn điều lệ gần 157 tỷ đồng.

Hiện có 1 doanh nghiệp là CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng đã được HNX chấp thuận niêm yết, đang chờ ngày chào sàn.

Theo HNX, trong quý III, dự kiến một số doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết lần đầu trên sàn như CTCP Xây lắp III Petrolimex (vốn điều lệ 50 tỷ đồng), CTCP C.E.O (vốn điều lệ 343 tỷ đồng).

Kế hoạch được HNX đưa ra hồi đầu năm là có khoảng 15 doanh nghiệp lên niêm yết. Với thực tế số lượng doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây thì nhiều công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết lại trù trừ với việc lên sàn đang khiến cho hai sàn chứng khoán đối diện với nguy cơ hao hụt hàng hóa.

Giải pháp nào?

Rõ ràng, cần phải có một cơ chế hợp lý cộng với điều kiện thị trường ủng hộ thì mới tạo được động lực kích thích các doanh nghiệp lên niêm yết. Vấn đề này đã được UBCK đặt ra trong kế hoạch hành động 6 tháng cuối năm 2014. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài và xây dựng các cơ chế chào bán theo nhiều phương thức linh hoạt.

Ngoài ra, sẽ gắn đấu giá IPO với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK tập trung. Với những doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, nếu đủ điều kiện là công ty đại chúng phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường tập trung trong vòng 30 ngày hoặc thực hiện đăng ký bán đấu giá cổ phần và đăng ký niêm yết song song.

UBCK cũng cho biết, sẽ tăng cường giám sát, xử lý các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng 1 năm theo quy định.

Quyết tâm của cơ quan quản lý có thể nhìn thấy rõ, nhưng từ quyết tâm và kế hoạch đến thực tế sẽ có những khoảng cách không nhỏ. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệpNN dù đã có đề án, lộ trình, thậm chí cả thời điểm cổ phần hóa và kế hoạch này rất được công chúng đầu tư chờ đón, nhưng việc cổ phần hóa vẫn chưa được thực hiện như Vietnam Airlines, Vinaphone, MobiFone…

Sau vài lần “trễ hẹn”, được biết, ngày 22/7 tới, Công ty mẹ-Vinatex sẽ chính thức phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai tại HOSE. Nhưng ngay trong buổi roadshow mới đây, lãnh đạo Vinatex cho biết, nếu tổ chức IPO thành công thì cũng phải… 3 năm nữa, Vinatex mới tính đến việc niêm yết (!)  

Tin bài liên quan