Ảnh: Đức Thanh.

Ảnh: Đức Thanh.

Thị trường hàng không nội địa: Nguy cơ cạnh tranh gay gắt

(ĐTCK-online)Sự xuất hiện có tính báo hiệu của một hãng hàng không (HK) do Vinashin liên doanh với Air Asia, dù chưa được Chính phủ chấp thuận bởi đề nghị bảo hộ của hai hãng HK trong nước với thị trường nội địa, song cũng là một tín hiệu không mấy bình an cho Vietnam Airlines (VA) và Pacific Airlines (PA) trên sân nhà. Nguyên nhân là do các hãng HK nội địa có thể được thành lập bất cứ lúc nào.

Bài học của Malaysia Airlines

Với một chiến lược kinh doanh HK đơn giản là ai cũng có thể bay, trong hơn 6 năm qua, hãng HK giá rẻ Air Asia (AA) Malaysia đã chớp cơ hội và phát triển thần tốc bởi cơ chế kinh doanh linh hoạt, hiệu quả cao. Chính hãng này đã khiến hãng HK nhà nước Malaysia Airlines (MA) bị thua lỗ nặng nề và đẩy đến bờ vực phá sản. Riêng năm tài chính 2005, MA lỗ 300 triệu USD và năm 2006 tiếp tục lỗ 500 triệu USD. Hiện AA chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường nội địa của Malaysia .

Trông người lại nghĩ đến ta. Luật HK VN đã mở cửa hết cỡ cho tư nhân có thể mở hãng HK. Các hãng hàng không nước ngoài có thể góp tối đa 30% để thành lập hãng HK trong nước. Hiện tại, VN mới có 2 hãng HK, và PA mặc dù tiềm lực yếu hơn nhiều (chỉ chiếm 20% thị phần) cũng đã khiến VA phải tìm cách đối phó. Vì vậy, việc VA lo ngại đến một nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt trên sân nhà là hoàn toàn có cơ sở.

 

Nhiều đường bay địa phương đang lỗ

Trong bối cảnh thị trường HK nội địa chưa phát triển, VA được "một mình một chợ" nên đã thâu tóm thị trường và phát triển mạnh trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, công bằng mà nói, điều này cũng do VA không có đối thủ xứng tầm.

Theo tính toán của các chuyên gia, với mức tăng trưởng GDP 8% như hiện nay thì tỷ lệ tăng trưởng tương ứng của thị trường HK nội địa khoảng 15%/năm. Một số đường bay địa phương như: TP. HCM - Phú Quốc, Hà Nội - Tuy Hoà – TP. HCM, hệ số khách lên đến hơn 90%, đồng thời liên tục được xin tăng chuyến. Nhiều địa phương đề nghị mở chuyến bay thẳng đến hai thành phố là HN và TP. HCM.

Tuy nhiên, theo VA, hiện những đường bay này đều không có lãi. Nếu chỉ hoạt động như một DN đơn thuần, VA hoàn toàn có thể cắt bỏ những đường bay không có lãi. Song, trách nhiệm của hãng HK quốc gia khiến VA vẫn phải duy trì mạng đường bay này. Trong khi đó, tiềm lực về tài chính của VA không lớn do được đầu tư không nhiều nên hiện đang thiếu máy bay. Mặt khác, do bị khống chế giá trần nên khả năng điều chỉnh giá để có lợi nhuận cao, tích luỹ nhiều hơn để tái đầu tư như cách làm thông lệ của các hãng HK quốc tế là không thể. Là một DN song VA lại chưa thể hoạt động theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Nếu thị trường HK nội địa xuất hiện những đối thủ mới, thì có nghĩa người khổng lồ VA cũng không thể cạnh tranh bình đẳng khi buộc phải đeo "cục chì" là mạng đường bay địa phương đang lỗ.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới VA sẽ thực hiện CPH. Đây cũng là cơ hội để VA rành mạch hoá kinh doanh và trách nhiệm phục vụ xã hội. Theo một số chuyên gia, có thể cơ cấu lại VA theo 2 phần: Kinh doanh tự do theo cơ chế thị trường để tăng lợi nhuận và trách nhiệm phục vụ xã hội. Phần kinh doanh sẽ phải có lợi nhuận để bù đắp cho phần phục vụ. Đây cũng là cách "cởi trói" cho VA, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực HK nội địa.