“Thay vỏ - đổi tên”, SIC bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

“Thay vỏ - đổi tên”, SIC bước vào giai đoạn tăng trưởng mới

(ĐTCK) Mặc dù chưa công bố chính thức nhưng dường như nhiều nhà đầu tư đã sớm nắm được thông tin và “tung tiền” mua vào cổ phiếu SIC của CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà trước cuộc “lột xác” được dự báo đầy ngoạn mục.

Đổi tên, hoàn tất quá trình tái cơ cấu

Trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu SIC bỗng dưng trở thành tâm điểm trên sàn HNX khi tăng trần hai phiên liên tiếp với lượng bán ra nhỏ giọt.

Theo nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, việc tăng giá của SIC đến từ thông tin công ty này sắp lấy ý kiến cổ đông về việc đổi tên, hoàn tất quá trình tái cơ cấu.

Mặc dù SIC mới chỉ thông báo ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về việc sửa đổi Điều lệ Công ty và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, nhưng việc đổi tên có thể được khẳng định, bởi tên của Công ty được quy định trong Điều lệ Công ty.

Việc đổi tên của SIC có thể coi là bước cuối cùng trong quá trình “thay vỏ”, tái cơ cấu của công ty này. Với tên gọi hiện nay là CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà (Sông Đà IDC), có thể dễ dàng nhận ra SIC từng là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh.

Bước ngoặt trong việc “thay vỏ” của SIC đến từ việc Tổng công ty sông Đà thoái thành công toàn bộ 36,72% vốn cổ phần nắm giữ tại SIC hồi cuối năm 2015. Sau khi Sông Đà rút lui, SIC cũng “lột xác” với một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo.

Với việc xuất hiện nhóm cổ đông mới nắm giữ lượng lớn cổ phần tại SIC, cùng với đợt phát hành tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng năm ngoái, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là cuộc tái cơ cấu SIC dưới bàn tay những người chủ mới.

“SIC xin ý kiến cổ đông thông qua thay đổi tên, là bước quan trọng trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, đồng bộ từ tên, logo, slogan cũng như tên các Dự án mà SIC đang triển khai sau khi không còn là thành viên của Tổng công ty Sông Đà”, lãnh đạo SIC tiết lộ.

Sẽ có sự lột xác ngoạn mục?

Theo vị lãnh đạo của SIC, “Việc đổi tên chỉ là một bước trong quá trình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới mà không hàm ý thay đổi chiến lược kinh doanh của SIC. Chiến lược xuyên suốt của SIC vẫn là Đầu tư - Phát triển”.

Trước đây, giống như nhiều doanh nghiệp thuộc dòng họ Sông Đà khác, ngoài hoạt động chính trong ngành đầu tư, kinh doanh các công trình thủy điện vừa và nhỏ, SIC còn tham gia trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản.

“Thay vỏ - đổi tên”, SIC bước vào giai đoạn tăng trưởng mới ảnh 1Dự án Khu dân cư Sông Đà IDC Tower – dự án sắp triển khai của SIC

Do từng là công ty con của Tổng công ty Sông Đà, SIC còn thừa hưởng lợi thế về quỹ đất “khủng”. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ông Đặng Quang Đạt đã cho biết SIC sẽ đầu tư trên 500 tỷ đồng triển khai dự án Khu dân cư Sông Đà IDC Tower (diện tích 2,4 ha tại quận Gò Vấp) và trên 1.000 tỷ đồng cho Dự án Sông Đà Riverside (2,4 ha tại quận Thủ Đức). Đây là hai dự án SIC đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, SIC còn đang nắm giữ 2 dự án đã được cấp phép khác là Dự án Khu dân cư đô thị Sông Đà IDC rộng 43 ha tại Đồng Nai, hay Dự án Khu dân cư Đan Phượng Hồng Thái rộng 40 ha tại Hà Nội. SIC cho biết, dự án Đan Phượng Hồng Thái đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 và có thể là dự án đầu tay của SIC phát triển tại Hà Nội.

“Trong 3-5 năm tới, bất động sản tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược đầu tư phát triển của Công ty. Tuy nhiên Ban lãnh đạo SIC luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới với mục tiêu hàng đầu là tối đa hóa lợi ích cho cổ đông”, vị lãnh đạo của SIC cho hay.

Với những bước đi nói trên, có thể thấy việc đổi tên của SIC là không chỉ là chiến lược thoát khỏi “cái bóng” họ Sông Đà. Rất có thể, làng bất động sản sẽ đón nhận sự ra đời của một thương hiệu bất động sản mới với cái tên mỹ miều cùng những ý tưởng mới.

Tin bài liên quan