Tháng 8, KLS dự kiến hủy niêm yết, cổ đông được ứng 10.000 đồng/CP

Quyết định giải thể CTCK Kim Long (KLS - sàn HNX) đươc cổ đông thông qua sau cuộc họp chiều 25/4, chấm dứt hoạt động của một trong những "ông lớn" trên sàn chứng khoán sau 10 năm hoạt động.

Không trình bày chi tiết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh tại cuộc họp Đại hội cổ đông chiều 25/4, Tổng giám đốc Phạm Vĩnh Thành chủ yếu đi vào lý giải nguyên nhân gây ra con số lỗ của KLS là 68,4 tỷ đồng trong năm qua. 

Theo đó, phần lớn lý do đến từ nhận định thiếu chính xác về diễn biến của giá dầu trên thị trường thế giới. “Hoạt động đầu tư chứng khoán là một trong 2 mảng có doanh thu lớn nhất của Kim Long. Tuy nhiên, trong năm 2015, giá dầu giảm khiến Công ty chịu lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng (gần 200 tỷ) do đầu tư vào cổ phiếu dầu khí”, ông Thành cho hay.

Tháng 8, KLS dự kiến hủy niêm yết, cổ đông được ứng 10.000 đồng/CP ảnh 1

Cổ đông Kim Long có thể nhận về khoảng 11.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, trong khi giá giao dịch hôm nay của KLS là 9.500 đồng mỗi đơn vị. Ảnh: N.M 

CEO, đồng thời là Thành viên HĐQT Kim Long nhận định, 2015 là một năm đầy khó khăn của Công ty và cho rằng tình hình thị trường cũng chưa thấy có dấu hiệu khả quan những năm tới. “Với quan điểm đầu tư thận trọng và mục tiêu hoạt động là ổn định an toàn và bảo toàn nguồn lực tài chính cho các cổ đông, hơn nữa, trước những thách thức trước mắt của thị trường, Hội đồng quản trị đề xuất giải thể công ty”, ông Thành lý giải. 

Ông Trần Văn Trọng, một thành viên khác của HĐQT một lần nữa nhấn mạnh các lý do dẫn đến đề xuất giải thể như hiệu quả hoạt động kinh doanh không cao, rủi ro trong những hoạt động trong những năm tới không khả quan...

"Bên cạnh đó, hiện chính sách quản lý đối với các công ty chứng khoán cũng khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được những khoản đầu tư lớn. Nếu vậy, mang tiền đi gửi ngân hàng sẽ không hiệu quả bằng việc các cổ đông tự quản lý khoản đầu tư của mình trong bối cảnh hiện nay", ông Trọng nói.  

Vị này cũng cho biết, hiện giá trị tài sản ròng của công ty vào khoảng 2.048 tỷ đồng. Ước tính giá trị thanh lý của mỗi cổ phiếu khoảng 10.600 – 11.200 đồng/CP. Dự kiến đến cuối tháng 8, KLS sẽ hủy niêm yết và tạm ứng cổ phiếu với giá 10.000 đồng thông qua tài khoản của cổ đông.

HĐQT Kim Long cũng cho biết, hiện công ty còn 1.900 tỷ đồng tiền mặt, danh mục đầu tư cũng còn vài chục tỷ đồng, trong đó có nhiều cổ phiếu OTC. Đơn vị này đang thông báo để tiến hành thanh lý các danh mục đầu tư nói trên. Tuy nhiên, ông Trọng cũng đảm bảo việc mỗi cổ phiếu sẽ được nhận về 11.000 đồng sau khi công ty giải thể. Hiện KLS có hơn 48% các cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 1% cổ phần, trong khi các cổ đông lớn nắm 22% cổ phần. Số còn lại sở hữu 1-5%.  

Ông Trọng cũng đề xuất việc hỗ trợ mỗi người lao động 3 tháng lương. Hiện KLS có 86 nhân viên.

Đại hội bỏ quyền biểu quyết trước khi diễn ra phần thảo luận.

Các tờ trình của HĐQT đều được thông qua. Tuy nhiên, nhiều cổ đông bỏ về trước khi diễn ra phần thảo luận. Đến phần đặt câu hỏi, khi HĐQT đề nghị các cổ đông thảo luận hoặc gửi câu hỏi, một cổ đông bày tỏ sự buồn bã: “Thôi nói gì nữa, thế là xong”.

Trước câu hỏi của cổ đông về trách nhiệm của lãnh đạo khi để doanh nghiệp lỗ, ông Đặng Ngọc Khang, Trưởng ban Kiểm soát thừa nhận có vai trò của HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong kinh doanh, chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp là hết sức bình thường. Cũng theo đó, nếu Công ty có lãi thì Ban lãnh đạo hưởng thù lao, còn nếu lỗ thì họ cũng không được hưởng lợi ích gì. 

Chứng khoán Kim Long được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 18 tỷ đồng. Sau 10 năm, công ty từng được coi là một trong những "ông lớn của chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ của công ty đã tăng 2.025 tỷ đồng. Thông tin giải thể doanh nghiệp được lãnh đạo doanh nghiệp phát đi đầu tháng này, sau nhiều đồn đoán về khả năng sáp nhập với Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Tin bài liên quan