Ngành điện đang phải gánh 7.200 tỷ đồng chi phí tăng thêm từ việc tăng giá nguồn đầu vào như than, khí...

Ngành điện đang phải gánh 7.200 tỷ đồng chi phí tăng thêm từ việc tăng giá nguồn đầu vào như than, khí...

Than, khí tăng giá khiến EVN 'đội' chi phí sản xuất thêm 7.200 tỷ

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) là hơn 7.200 tỷ đồng.

Thông tin này được nêu tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo phát triển đổi mới doanh nghiệp với EVN chiều 26/4. 

Trong buổi làm việc Phó thủ tướng đã yêu cầu EVN xây dựng kịch bản giá điện 2017 theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư và kiềm chế lạm phát. 

Tính toán của tập đoàn này cho biết, việc biến động chi phí đầu vào (giá than, dầu...) đang làm EVN tăng chi phí sản xuất kinh doanh thêm 7.200 tỷ đồng trong năm nay.

Hồi đầu năm tại cuộc họp tổng kết, Tổng giám đốc EVN - ông Đặng Hoàng An từng cho biết một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than làm điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.

Con số 7.200 tỷ đồng chi phí "đội" thêm mà EVN đang phải gánh đã phần nào giúp hình dung về kết quả hiệp thương giá than, dù kết quả này chưa bao giờ được công bố chính thức. Tuy nhiên, EVN cho biết đã đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Như vậy, vẫn còn một khoản 4.200 tỷ đồng biến động chi phí đầu vào đang treo trên đầu giá điện, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua. 

Bên cạnh đó, EVN cũng được đề nghị làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ... Tất cả những nội dung này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, và theo đó là giá điện.

EVN và các Bộ, ngành cũng được Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ các giải pháp, nhất là các giải pháp về huy động vốn để thực hiện Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia tới năm 2020. Bên cạnh đó là đảm bảo tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích (tách chức năng đại diện chủ sở hữu với quản lý nhà nước...).

Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017. EVN cũng cần chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của tập đoàn theo nguyên tắc thị trường.

Tin bài liên quan