TCM muốn đẩy mạnh bán lẻ thời trang ở Việt Nam

TCM muốn đẩy mạnh bán lẻ thời trang ở Việt Nam

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên 2016 diễn ra vào sáng nay 8/4, HĐQT CTCP Dệt may đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho hay, nhà máy Vĩnh Long dự kiến sẽ phát sinh doanh thu vào quý III/2016, thay vì lợi nhuận âm như hiện nay.

Theo bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT TCM, nhà máy đặt tại Vĩnh Long để tận dụng tối đa lợi thế về nhân công, tiết kiệm chi phí. Theo kế hoạch, tại đây, TCM sẽ xây dựng tổ hợp 3 nhà máy may, 1 nhà máy đan kim và 1 nhà máy nhuộm. Hiện TCM chỉ mới vừa triển khai giai đoạn 1 đưa vào hoạt động nhà máy may đầu tiên. TCM cũng đã hỗ trợ nhà máy bằng cách chuyển đơn hàng của các đối tác bên ngoài trước đây của TCM và các đơn hàng Eland chuyển từ Trung Quốc sang cho nhà máy.

Năng suất một lao động ngồi máy ước đạt 22 USD, tăng gấp 3 lần so với trước và là mức khả quan so với dự kiến của HĐQT là 24 USD/người vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm đội ngũ quản lý trung cấp cho nhà máy tại đây khá khó khăn. Vì vậy, trước mắt bên cạnh đẩy mạnh hoạt động của nhà máy mới, TCM vẫn sẽ tập trung khai thác từ nhà máy chính ở tại TP. HCM để đảm bảo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm.

Năm 2016, TCM dự kiến lợi nhuận công ty mẹ đạt 212 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận hợp nhất chỉ 160 tỷ do bù lỗ cho nhà máy Vĩnh Long một khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 40 tỷ đồng).

Về kết quả hoạt động trong quý I/2016, TCM ghi nhận doanh thu trên 70 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty cũng đã trích lập dự phòng ngay cho nhà máy Vĩnh Long nên lợi nhuận chỉ còn khoảng 17 tỷ đồng.

Trong năm nay, TCM chưa có nhu cầu tăng vốn nhưng nhu cầu về vốn đầu tư cho nhà máy Vĩnh Long rất lớn nên có thể TCM sẽ trình kế hoạch tăng vốn trong tương lai.

Một vấn đề khác thu hút quan tâm của nhiều cổ đông tại Đại hội là có hay không việc TCM sẽ nới room cho nhà đầu tư. HĐQT TCM khẳng định, TCM có kế hoạch nới room, nhưng sẽ tính toán lại bởi liên quan đến ngành nghề kinh doanh.

Cụ thể, hiện tại cổ đông chiến lược Eland Hàn Quốc đang nắm giữ hơn 45% cổ phần của TCM, nếu nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài trên 51%, thì hình thức hoạt động của TCM sẽ bị hoán đổi sang doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ của TCM lại bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định. Nên việc mở room sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ, nằm trong định hướng phát triển kinh doanh của TCM.

HĐQT TCM nhận định ngành bán lẻ thời trang tại Việt Nam trong tương lai còn rất nhiều tiềm năng. Hơn nữa, cổ đông lớn của TCM, Tập đoàn Eland Hàn Quốc là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thời trang bán lẻ tại nước này, nổi tiếng với các thương hiệu như thời trang thể thao New Balance, Ellesse, Teenie Weenie... Về dài hạn, Tập đoàn Eland Hàn Quốc sẽ mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Trước mắt, Eland đã thành lập Công ty TC Eland (hợp tác giữa TCM và Eland Việt Nam) vào năm 2014 với mục tiêu chủ yếu là thăm dò, khảo sát thị trường thời trang bán lẻ ở Việt Nam.

HĐQT TCM thông tin thêm, hiện TCM đang đợi hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trường hợp của TCM trong việc được phép nới room lên bao nhiêu để công bố đến cổ đông trong những kỳ họp hoặc buổi gặp gỡ nhà đầu tư sắp tới.

Về hoạt động sản xuất, mặc dù mặt hàng sợi góp doanh thu khá lớn (chiếm 40%) nhưng TCM không có kế hoạch đẩy mạnh lĩnh vực này trong thời gian tới do sự cạnh tranh của thị trường, mặt khác ảnh hưởng bởi giá dầu sẽ tác động lớn đến giá sợi. TCM sẽ tập trung sản xuất những mặt hàng sợi đặc trưng, ít nhà cung cấp để giữ năng lực cạnh tranh về giá.

Tin bài liên quan