TCM: Dấu hỏi cho bước đi 2017

TCM: Dấu hỏi cho bước đi 2017

(ĐTCK) Sau giai đoạn 2013-2014 được xem là thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu CTCP Dệt may Thành Công (TCM), hơn 1 năm trở lại đây, giá cổ phiếu TCM không ngừng sụt giảm. 

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 15/12/2016, thị giá TCM chỉ còn 1/3 so với mức đỉnh vào thời điểm tháng 9/2015, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Sự lao dốc của cố phiếu TCM đến từ nguyên nhân kết quả kinh doanh của Công ty không thuận lợi trong suốt năm 2016 và mối lo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó thành hiện thực. Triển vọng của TCM liệu có sáng sủa hơn trong năm 2017, khi những khó khăn được giảm bớt?

Chặng đường 2016 gian nan

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may nhờ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có lợi thế về chi phí lao động như Việt Nam, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Tập đoàn E-Land và diễn biến thuận lợi của giá nguyên liệu bông đầu vào, giai đoạn 2012-2014 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của TCM cả về doanh thu và lợi nhuận. Giai đoạn này, TCM vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp may mặc hiệu quả hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, sức tăng trưởng của TCM đã chững lại trong khoảng 2 năm gần đây, đặc biệt sụt giảm mạnh trong năm 2016 trước những khó khăn khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty.

Khó khăn đầu tiên là thay đổi trong lương tính bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ 1/1/2016, mức lương cơ sở đóng bảo hiểm là lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng, thay vì trên nền tiền lương cơ bản như trước. Mức lương này thường cao hơn mức lương cơ bản theo hệ số khá nhiều, qua đó làm tăng số tiền mà doanh nghiệp phải đóng.

Với công ty chuyên ngành sản xuất, sử dụng nhiều lao động như TCM, ảnh hưởng của chính sách mới rất lớn. Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chi phí tăng do chính sách bảo hiểm xã hội và mức lương tối thiểu vào khoảng 18%. Thực tế, 9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ giá vốn/doanh thu của TCM tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm còn 13,1% so với mức 15,7% cùng kỳ 2015, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 22,7%.

Khó khăn thứ hai đến từ Nhà máy Vĩnh Long. Đây là nhà máy được đầu tư lớn, hoạt động từ tháng 7/2015, khiến chi phí khấu hao và lãi vay tăng thêm khá đáng kể, trong khi công suất hoạt động chưa đạt điểm hòa vốn. Tính đến hết quý III/2016, chi phí khấu hao của TCM tăng gần 20% so với cùng kỳ 2015.

Nhà máy mới cùng sự thay đổi chính sách tính bảo hiểm khiến chi phí nhân công của TCM tăng 27,3% (tương đương 92 tỷ đồng) trong 9 tháng đầu năm nay. Ban lãnh đạo TCM đã dự kiến lỗ hơn 40 tỷ đồng (khoảng 2 triệu USD) cho nhà máy trên trong niên độ 2016. Theo ước tính mới nhất của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), với nhà máy này, TCM đang lỗ hơn 2 tỷ đồng/tháng trong quý IV.

Biến động tỷ giá cũng là một khó khăn của TCM. Với khoản vay bổ sung vốn lưu động và đầu tư Nhà máy Vĩnh Long, dư nợ ngoại tệ của TCM dao động trong khoảng 40-45 triệu USD. Theo ước tính của TCM, nếu tỷ giá VND/USD tăng khoảng 5% như năm 2015 sẽ khiến lợi nhuận Công ty giảm khoảng 37 tỷ đồng. Sau khi duy trì ổn định từ đầu năm, trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tỷ giá bất ngờ tăng mạnh, với mức tăng trên 2%, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh quý IV này.

TCM: Dấu hỏi cho bước đi 2017 ảnh 1

Bên cạnh đó, Tập đoàn E-Land, cổ đông lớn và cũng là đối tác quan trọng hỗ trợ cho TCM với số đơn hàng chiếm khoảng trên dưới 30% doanh thu, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TCM với E-land trong kỳ đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của Công ty.

Xác định sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2016, ngay tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, dù kỳ vọng vào Hiệp định TPP sẽ đem lại không gian kinh doanh rộng mở, nhưng TCM vẫn đặt kế hoạch hết sức thận trọng, với lợi nhuận chỉ tăng 4,5% so với thực hiện 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo 9 tháng đầu năm, TCM mới hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận.

Số liệu mới nhất từ TCM cho thấy, trong 2 tháng 10 và 11, doanh thu đạt thêm 22,33 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng), lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hơn 66 tỷ đồng (chưa trừ các chi phí). Một số ước tính gần nhất cho biết, lợi nhuận của TCM năm 2016 dự kiến đạt khoảng 130-140 tỷ đồng, tuy hoàn thành kế hoạch doanh thu, nhưng chưa đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Năm 2017 sẽ bớt khó khăn hơn?

Ngành dệt may hiện đang gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng. Theo ước tính của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2016 tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước, chỉ xấp xỉ 5%.

Các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có mức tăng rất thấp, chỉ 1 con số. Từ quý II/2016, đơn hàng sụt giảm đáng kể ở cả các doanh nghiệp lớn, giá xuất khẩu cũng giảm hơn 10% so với 2015. Vitas nhận định, năm 2016 là năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây và còn tiếp diễn cho đến hết quý III/2017. 

Đối với TCM, vay nợ bằng USD vừa là gánh nặng, vừa là lợi thế so với các doanh nghiệp trong ngành vay nợ bằng VND do mức lãi suất thấp hơn. Mặt bằng lãi suất USD dài hạn vào khoảng 3-4%, so với mức 8-10% của VND. Chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước phát huy nhiều hiệu quả trong năm 2016, nếu biến động tỷ giá trong khoảng 2-3% thì TCM vẫn hưởng lợi. Chưa kể, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu góp phần giảm rủi ro tỷ giá.

Là doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn, hiệu quả quản lý cũng tốt hơn so với các doanh nghiệp trong ngành qua các chỉ số như vòng quay khoản phải thu, hàng tồn kho, chỉ số hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE ), cùng cơ cấu tài chính ổn định, được xem là lợi thế của TCM trong năm 2017.

Nhà máy Vĩnh Long lỗ chỉ còn trên 2 tỷ/tháng trong quý IV, giảm đáng kể so với giai đoạn đầu năm. Công suất ngày càng nâng cao và dự kiến hòa vốn từ 2017 sẽ giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng có sự cải thiện nhanh chóng, bởi tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của nhà máy này thời gian qua khá chậm.

Kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room) của TCM cũng được thị trường quan tâm, trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi: room của TCM từ lâu đã kín, Công ty không thuộc nhóm ngành hạn chế mở room, cổ đông lớn E-Land thể hiện muốn nắm tỷ lệ chi phối… Tuy nhiên, Ban lãnh đạo TCM chia sẻ, do hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thời trang, nếu mở thêm room và nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vượt 50% vốn, TCM sẽ được xem như là doanh nghiệp nước ngoài và gặp nhiều khó khăn trong thủ tục mở các cửa hàng bán lẻ.

Theo lộ trình thay đổi mức lương đóng bảo hiểm xã hội, từ 1/1/2018, mức lương cơ sở sẽ tính theo mức lương thực nhận, bao gồm cả các khoản phụ cấp của người lao động, dự kiến sẽ tiếp tục làm tăng mạnh chi phí với TCM. Bài toán này TCM giải như thế nào vẫn đang là câu hỏi ngỏ.

Nỗi buồn mang tên TPP

Hiệp định TPP kỳ vọng đem đến cú huých cho ngành dệt may, da giày, thủy sản Việt Nam nói chung và TCM nói riêng, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Quy tắc “Từ sợi trở đi” là lợi thế cho TCM, do chính sách nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, một thành viên của TPP, so với nhiều doanh nghiệp còn lại nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ khi tranh cử đã thể hiện quan điểm bảo hộ sản xuất nội địa, làm dấy lên lo ngại TTP bị hủy bỏ.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 và chiếm trên dưới 50% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may. Hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ có dòng bị đánh thuế trên 30%, trung bình là 17-18%.

Sẽ là lợi thế lớn cho TCM, nếu sau khi chính thức nhận chức vào ngày 20/1/2017, ông Trump có động thái “nhượng bộ” với TPP, góp phần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư về khả năng đưa thuế xuất khẩu về 0%. Tuy nhiên, kịch bản ngược lại cũng có thể xảy ra, nếu quan điểm cứng rắn tiếp tục được ông Trump thể hiện.

Bên cạnh TPP, Liên minh châu Âu (EU) cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, với những sự kiện chính trị như Brexit trong năm 2016, đang có nhiều lo ngại về sự suy yếu của EU, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu. Với quy mô doanh thu trên 90% từ xuất khẩu và mặt hàng dệt may-may mặc chiếm gần như tuyệt đối (khoảng 98%) cơ cấu doanh thu, biến động của những thị trường quốc tế có ảnh hưởng rất lớn đến TCM.

Hiện giao dịch ở mức PE 4 quý là 6.7X, tương đương với nhiều doanh nghiệp trong ngành như VGG, GMC, GIL, MPT… Tương lai của TCM phụ thuộc nhiều vào kết quả của Hiệp định TPP, hiệu suất hoạt động tại Nhà máy Vĩnh Long, cũng như khả năng hồi phục chung của ngành.

Tình hình 2017 của TCM dự báo như thế nào, Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp tìm một hướng đi mới. 

Tin bài liên quan