PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tái cơ cấu DNNN: các điểm nghẽn và giải pháp thúc đẩy

(ĐTCK) Năm 2014, có sự thay đổi mạnh mẽ trong động thái cổ phần hóa (CPH) DNNN. 

Thúc đẩy CPH, cách nào?

Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, Chính phủ đang quyết liệt hơn trong đẩy mạnh chương trình CPH DNNN, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trong 2 năm 2014 - 2015, phải CPH được 432 DNNN, tức căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình CPH DNNN. So với tốc độ CPH rất chậm chạp của những năm trước, đặt trong bối cảnh nền kinh tế - cả khu vực nhà nước và khu vực DN - đều gặp khó khăn, nhất là về nguồn lực tài chính, nhiệm vụ CPH 432 DNNN dường như là một thách thức lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình.

Tuy nhiên, động thái ban đầu của nỗ lực vượt qua thách thức này là tích cực và đúng hướng, đúng cách. Việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN với kết quả CPH, đang tạo ra áp lực và động lực khá mạnh để thúc đẩy quá trình này nhanh và hiệu quả hơn trong quãng thời gian còn lại.

Để thúc đẩy quá trình CPH trong giai đoạn tới, trước hết, phải xác định được tư duy về vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. DNNN chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm (ngay cả khi không có DNNN). Ngay cả với các lĩnh vực này, Chính phủ có thể cân nhắc mua các dịch vụ tương tự từ các nhà cung ứng của khu vực tư nhân.

Điểm quan trọng nhất là CPH phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung. 

Cần minh bạch thoái vốn ngoài ngành

Thực tế cho thấy, quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN trong thời gian qua diễn ra chậm. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đa số ý kiến từ các DNNN, cơ quan quản lý là do TTCK, thị trường bất động sản… giảm sút.

Yêu cầu bảo toàn vốn nhà nước khi thoái vốn, cũng là lý do khiến các DNNN mới chỉ thoái được vốn tại các công ty làm ăn tốt. Với các DN kinh doanh thua lỗ, việc thoái vốn rất nan giải. Cản trở lớn nhất hiện nay là liệu DNNN có quyết tâm muốn thoái vốn theo đúng kế hoạch hay không…?

Để giải quyết các điểm nghẽn trên, qua đó thúc đẩy thoái vốn đầu tư ngoài ngành, DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết về lộ trình thoái vốn. Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, tổng hợp về tiến độ thoái vốn, nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân, giới đầu tư theo dõi và giám sát, cũng như chủ động lên kế hoạch tham gia mua lại các khoản vốn. 

Nên chú trọng cải tiến mô hình quản trị

Trở ngại chính cho việc cải tiến mô hình quản trị DNNN theo hướng hiện đại, có lẽ là nỗi e sợ mất công cụ kiểm soát ngành hoặc thị trường, khi các bộ từ bỏ chức năng bộ chủ quản. Với các địa phương, việc trả các DNNN về cho trung ương có thể dẫn đến mất nguồn đóng góp cho ngân sách địa phương, cũng như mất đi công cụ và nguồn tài chính để thực hiện một số chính sách phát triển kinh tế và xã hội tại địa phương.

Quy định hiện hành cũng chưa phân định rõ ràng chức năng quản lý, giám sát của những người đại diện trực tiếp chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN và chức năng quản lý của những người điều hành DNNN. Đội ngũ quản lý của các DNNN cần được hưởng thu nhập tương đương với trách nhiệm quản lý của họ.

Để đẩy nhanh quá trình cải tiến mô hình quản trị tại các DNNN, Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị DNNN. Chính phủ nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ/ngành và địa phương, qua đó giúp họ tập trung và chuyên môn hoá nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát.

Chính phủ cũng cần xây dựng và ban hành cơ chế quy định rõ ràng hai loại vị trí người quản lý và người giám sát, trong đó người giám sát là người phải vì lợi ích công, đại diện tham gia quản trị DNNN để hướng DNNN theo đuổi đúng các tôn chỉ lợi ích công; người quản lý là người được hội đồng quản trị DNNN thuê để điều hành DNNN hiệu quả theo những mục tiêu mà hội đồng quản trị đề ra.

Kỳ tới: “Tái cơ cấu đầu tư công, mới giải quyết phần ngọn” của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tin bài liên quan