Tài chính KHB có gì để nhóm cổ đông mới “vào cuộc”?

Tài chính KHB có gì để nhóm cổ đông mới “vào cuộc”?

(ĐTCK) Việc Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB) bất ngờ hủy cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào phút chót và phản ứng của nhóm cổ đông lớn cho thấy, đang có một cuộc chiến quyền lực tại đây. Vậy, thực trạng KHB như thế nào? Đâu là lý do khiến nhóm nhà đầu tư mới muốn tham gia vào Công ty?

Thị giá cổ phiếu chỉ bằng 1/5 giá trị sổ sách

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 cho thấy, tại ngày 31/12/2016, KHB có vốn chủ sở hữu 295,376 tỷ đồng trên vốn điều lệ 290,755 tỷ đồng. Với mức này, giá trị sổ sách mỗi cổ phần KHB đạt hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp hơn 5 lần thị giá cổ phiếu KHB hiện tại (ở mức 1.800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần qua).  

Tại thời điểm cuối năm 2016, KHB có tổng tài sản 359,908 tỷ đồng, với 64,531 tỷ đồng nợ phải trả. Trong khoản mục nợ phải trả, phải trả người bán chiếm 45,578 tỷ đồng, gần 6,251 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và 11,695 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Về tài sản, báo cáo tài chính KHB cho thấy, các khoản mục lớn nhất của KHB là phải thu dài hạn (150 tỷ đồng); đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (86,5 tỷ đồng); 62,513 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng; 20 tỷ đồng phải thu Tổng giám đốc Công ty và 18,863 tỷ đồng hàng tồn kho.

Thuyết minh chi tiết cho thấy, khoản phải thu dài hạn trị giá 150 tỷ đồng bao gồm 2 khoản, là phải thu Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Gia Lai (85 tỷ đồng) và phải thu Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh (65 tỷ đồng).

Khoản phải thu Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Gia Lai phản ánh số tiền theo hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác để đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuynel, thời gian hợp tác kinh doanh 10 năm, tỷ lệ ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Trong khi đó, khoản phải thu Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh theo hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư vào dây chuyền sản xuất sơn nước và các loại vật liệu sơn tại Hòa Bình.

Điểm đáng chú ý là, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Gia Lai có Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Phạm Thị Hinh. Còn Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh, theo tra cứu mã số thuế, có tên đăng ký là Công ty cổ phần Sơn Penmax cũng có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Hinh!

Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng bao gồm chủ yếu 3 khoản lớn là: phải thu Công ty cổ phần Khai thác và chế biến khoáng sản Yên Bái (27 tỷ đồng), Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Kỹ thuật Thương mại Phú Hòa (23 tỷ đồng).

Nhận xét về thực trạng tài sản của KHB, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, nếu nhìn dưới góc độ tài chính đơn thuần, đa số tài sản của KHB là tài sản chết, nhưng nếu vào người có chuyên môn đòi nợ thì câu chuyện có thể sẽ khác. Và đây có lẽ là lý do nhóm nhà đầu tư mới muốn vào.

Bởi với thị giá như hiện tại, chỉ cần đòi được một số khoản liên quan đến các bên, trong đó có đòi nợ Tổng giám đốc (20 tỷ đồng), các khoản phải thu khách hàng và các khoản hợp tác đầu tư… KHB sẽ có một lượng tài sản lớn hơn nhiều so với thị giá cổ phần.

Mua để thanh lý hay tạo cú huých mới?

Giả định KHB có thể thu hồi 50% các khoản phải thu (bao gồm cho vay, tạm ứng…) thì Công ty có thể nhận về khoảng trên 165 tỷ đồng. Con số này chưa tính các giá trị tài sản đến từ hoạt động kinh doanh khác, do báo cáo tài chính KHB cho thấy, năm 2016, Công ty có doanh thu 67 tỷ đồng, nhưng thu nhập từ hoạt động kinh doanh không có lãi.

Nếu loại bỏ yếu tố trích lập dự phòng, các yếu tố dòng tiền từ tài chính, thì KHB có thể dương dòng tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đây có thể là yếu tố khiến nhóm nhà đầu tư muốn thâu tóm KHB. Việc thâu tóm thành công, khi làm lành mạnh tài sản có thể tạo ra một cú huých về phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh Công ty.

Và có lẽ, thực trạng các khoản phải thu, phải trả… chủ yếu liên quan đến các thành viên Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc là nguyên nhân quan trọng khiến Hội đồng quản trị KHB không muốn các nhân tố mới tham gia Hội đồng quản trị. Nếu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 diễn ra theo đúng kế hoạch, có tới 4 trên 5 thành viên Hội đồng quản trị sẽ bị “thay máu”.

Tin bài liên quan