Sản phẩm gạch không nung của SCL vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm gạch không nung của SCL vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường

Sông Đà Cao Cường chật vật vì vật liệu không nung

(ĐTCK) Dù đã có nhiều bước tiến, nhưng ngành vật liệu không nung nói chung và những doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung như Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL) nói riêng vẫn gặp khó trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2017 mới công bố của SCL cho thấy, năm 2017 tiếp tục là một năm không mấy sáng sủa của công ty này. Mặc dù quyết toán được hợp đồng EPC Đình Vũ, giúp doanh thu trong quý IV/2017 của SCL tăng mạnh hơn 500% so với cùng kỳ, lên hơn 112,56 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1,86 tỷ đồng, nhưng kết quả kinh doanh đột biến trong quý IV không giúp Công ty cải thiện được bức tranh tài chính của năm 2017 do các quý trước thua lỗ nặng nề.

Cụ thể, lũy kế cả năm, SCL lỗ ròng hơn 8 tỷ đồng. Một trong những lý do là khoản chi phí khác lên tới hơn 8,5 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước.

Ngoài ra, trong năm 2017, còn SCL bị Cục thuế tỉnh Hải Dương quyết định xử phạt và truy thu hơn 15,8 tỷ đồng tiền thuế bao gồm các khoản thuế thu nhập do khai sai cũng như các khoản lãi phạt phát sinh từ thời điểm chậm nộp.

Là nhà sản xuất và kinh doanh chính các loại sản phẩm tro bay, gạch nhẹ và vữa khô trộn sẵn phục vụ cho một số công trình thủy điện. Các công trình SCL cung cấp chủ yếu là tại Lào và thị trường Campuchia. Tuy nhiên, kể sau khi các công trình này hoàn thành, sản lượng tiêu thụ của SCL cũng giảm hẳn.

Ngoài ra, ở các thị trường này, SCL cũng gặp phải cạnh tranh dữ dội với các sản phẩm tro bay chất lượng cao đến từ Thái Lan. Chưa kể, cự ly vận chuyển từ các nhà máy sản xuất ở Hải Dương của SCL xa hơn so với các nhà sản xuất từ Thái Lan. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, SCL cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tro bay nguyên khai không qua xử lý.

Với sản phẩm gạch nhẹ, dù là đơn vị tiên phong phát triển dòng sản phẩm với nhiều tính năng nổi trội như chống cháy, cách âm, cách nhiệt này, nhưng sau giai đoạn 2013 - 2014, nhu cầu với các sản phẩm của SCL đã giảm hẳn khi một số dự án sử dụng vật liệu xây dựng không nung xảy ra hiện tượng nứt… Còn tâm lý người tiêu dùng nhỏ lẻ vẫn đang ưa chuộng gạch nung.

Trong khi đó, dù theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ban hành cuối tháng 9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phải có trách nhiệm trả chi phí xử lý tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp không tự đầu tư dây chuyền thiết bị xử lý chất thải cho sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng do có nhiều đơn vị có nhu cầu với loại nguyên liệu này, nên để có được lượng tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, SCL vẫn phải bỏ tiền ra mua. Thời điểm cuối năm 2016, SCL phải trả 81.685 đồng/tấn tro bay, khiến giá thành phẩm của SCL cao, nên khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống trên thị trường.

Cũng theo báo cáo tài chính quý IV/2017, tổng tài sản đến cuối năm 2017 của SCL bị hao hụt tới 73,32 tỷ đồng, từ hơn 325,2 tỷ đồng cuối năm 2016 xuống 251,88 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu do sự sụt giảm của hàng tồn kho khi các mặt hàng sản xuất của SCL không tiêu thụ được, nên việc sản xuất cũng phải cầm chừng theo. Chỉ tính riêng khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn của SCL trong năm 2017 cho thấy hoạt động sản xuất của SCL gặp khó như thế nào khi giảm tới hơn 51 tỷ đồng, chỉ còn vỏn vẹn 28,2 triệu đồng.

Trong khi đó, SCL vẫn đang đối mặt với áp lực lãi vay và nợ thuê tài chính, dù đã giảm so với năm 2016, chỉ còn ở mức gần 45 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay nợ tại BIDV Bắc Hải Dương. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh kém khả quan hiện nay, đây áp lực với SCL khi các khoản vay này đáo hạn. Đặc biệt, khi phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở phải thu ngắn hạn của khách hàng và hàng tồn kho. Với đặc thù của ngành vật liệu xây dựng thường có độ trễ về thanh toán khá lâu, thì đây là những rủi ro tiềm ẩn rất lớn.

Tại đại hội đồng cổ đông trong 3 năm vừa qua, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT SCL cũng phải thừa nhận rằng, việc thu hồi công nợ gặp nhiều khó khăn do khách hàng trả chậm, trong khi các chi phí khấu hao, lãi vay là các khoản lớn, đặc biệt là tại nhà máy gạch nhẹ.

Với những khó khăn trong năm 2017 vừa qua, tại đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới đây, nhà đầu tư và cổ đông của SCL kỳ vọng Ban lãnh đạo sẽ có sự thay đổi và quyết liệt hơn trong chiến lược phát triển nhằm đưa SCL trở lại lộ trình phát triển như cách đây vài năm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan