SMC, 25 năm một chặng đường

SMC, 25 năm một chặng đường

(ĐTCK) Trong 25 năm phát triển, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) có sự tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành nhà kinh doanh thép thành phẩm lớn nhất cả nước.

Năm 2006, SMC chính thức niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, năm đó, SMC lãi ròng 22,6 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, khoản lãi ngày một gia tăng, đến năm 2010 đạt 82,2 tỷ đồng.

Năm 2011, hoạt động kinh doanh chung toàn ngành thép bắt đầu rơi vào khó khăn do khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều DN thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa, nhưng SMC vẫn đạt lợi nhuận khả quan, đạt hơn 73 tỷ đồng.

Sang năm 2012, lợi nhuận của Công ty là 69,3 tỷ đồng. Trong năm 2012, SMC ghi dấu ấn bằng việc bắt tay với hai đối tác đến từ Nhật Bản là Sumitomo và Hanwa, góp phần nâng cao vị thế của Công ty.

Trong năm 2013, thị trường chung vẫn chưa khá hơn, nhất là sự cạnh tranh gay gắt của thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế của một nhà phân phối thép hàng đầu và đội ngũ điều hành nhiều kinh nghiệm, kịp thời ứng phó trước những bất lợi đã giúp SMC không rơi vào cảnh thua lỗ như nhiều DN khác, mà chỉ suy giảm lợi nhuận.

Năm 2013, sản lượng tiêu thụ của SMC là 717.000 tấn, ước đạt 9.650 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cổ đông với tỷ lệ cổ tức 8% bằng tiền mặt.

Với những nỗ lực phát triển không ngừng, góp phần tạo hàng trăm công ăn việc làm, đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước, thực hiện các hoạt động xã hội như xây nhà tình thương, trong đó có 13 năm liên tiếp đồng hành cùng "Quỹ vì người nghèo" của TP. HCM, toàn hệ thống SMC vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập.

Để đạt những thành quả đó, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT SMC chia sẻ, bí quyết thành công chính là giữ vững thương hiệu bằng dịch vụ và chất lượng sản phẩm.

SMC chủ trương không giành giật khách hàng bằng mọi giá, bởi theo chiến thuật này sẽ phải bán giá dưới giá thành, hoặc có thể buông lỏng quản lý rủi ro…, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực Công ty.

Theo ông Ngọc Anh, càng trải qua khó khăn, SMC càng vững vàng và không ngừng đầu tư mở rộng để sẵn sàng đón đầu cơ hội khi tình hình kinh tế khởi sắc. Các mối quan hệ của SMC với đối tác tại nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực ngày càng được củng cố vững chắc.

Cũng chính từ vai trò là nhà phân phối, tức cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nên SMC có điều kiện để nắm bắt nhu cầu thực tế của người sử dụng thép.

Trên thực tế, mức tiêu thụ thép hàng năm của Việt Nam ở mức 12 triệu tấn, nhưng chỉ có hơn 5 triệu tấn thép xây dựng, còn lại là thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ các loại, thép không gỉ (Inox), thép hợp kim Silic…, chủ yếu được nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.

Sau quá trình khảo sát, SMC quyết định tham gia hoạt động nhập khẩu và kinh doanh thép cán nóng và cán nguội. Để tạo lợi thế cạnh tranh và kinh doanh tốt mặt hàng này thì cần phải có thiết bị máy móc để gia công chế biến, đi kèm theo đó là kho bãi, thiết bị nâng hạ, phương tiện kỹ thuật. Do đó, các nhà máy gia công của SMC lần lượt ra đời.

Cuối năm 2013, SMC khánh thành nhà máy chế biến, gia công thép tại Khu công nghiệp Tân Tạo (SMC Tân Tạo). Nhà máy có tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 12.500 m2, được trang bị hai dàn máy xả băng và cắt tờ các loại thép cuộn cán nóng trị giá 60 tỷ đồng, công suất gia công 80.000 tấn thép/năm. Đến nay, SMC có tổng cộng 4 nhà máy gia công, đủ sức cạnh tranh với các DN trong và ngoài nước.

SMC Tân Tạo là nhà máy gia công chế biến thép cán nóng thứ hai của SMC, sau nhà máy Cơ khí SMC đặt tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã hoạt động hết công suất do nhu cầu quá lớn.

Ông Ngọc Anh cho biết, năm 2014, SMC Tân Tạo sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc gia công sản xuất và tiêu thụ các loại thép tấm cán nóng tại địa bàn TP. HCM và các tỉnh Nam Bộ, với sản lượng kế hoạch 75.000 tấn, chiếm 10% trong tổng lượng tiêu thụ của SMC (750.000 tấn).

Thế mạnh từ trước đến nay của SMC là thị trường thép xây dựng, 2/3 sản lượng phân phối thép của SMC là thép xây dựng, nhưng lợi nhuận lại chủ yếu đến từ thép dẹt, tức từ 2 nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội và sắp tới là nhà máy Tân Tạo tại TP. HCM. Có thể nói, SMC vẫn giữ thị trường truyền thống, nhưng có bước chuyển linh hoạt sang lĩnh vực gia công thép dẹt.

Tin bài liên quan