Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Seaprodex: Cổ đông đấu nhau vì đất vàng

(ĐTCK) Vị trí đắc địa và lợi thế của khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi và khu đất số 21 Ngô Đức Kế, quận 1, TP. HCM là lý do khiến phiên họp ĐHCĐ thường niên 2016 của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seprodex) nổi sóng. 

Tại đây, cổ đông nhà nước bỏ phiếu phủ quyết những nội dung mà đơn vị tiền nhiệm đã cam kết. Vụ việc đang được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý.

Khu đất số 2-4-6 Đồng Khởi có diện tích 1.892 m2 vốn là trụ sở của Seaprodex, dự kiến sẽ được hợp khối với khu đất số 21 Ngô Đức Kế có diện tích 380 m2 để xây dựng tòa nhà văn phòng trung tâm thương mại có quy mô trên 20 tầng, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 1.400 tỷ đồng.

Seaprodex (khi đó trực thuộc Bộ Thủy sản, nay sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) đã ký thỏa thuận hợp tác với CTCP Tổng hợp miền Nam (thành viên của CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco) đầu tư dự án này từ tháng 9/2005 khi Nhà nước đồng ý bán chỉ định dự án cho Seaprodex (vẫn chưa chốt giá bán).

Theo thỏa thuận, đối tác sẽ đưa tiền vào để cùng đầu tư, trong đó có việc chịu trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất. Seaprodex sẽ giữ lại thương hiệu (chủ đầu tư của tòa nhà), lợi thế vị trí khu đất, 4.000 m2 sàn xây dựng, 300 m2 tầng hầm.

Từ năm 2005 đến nay, CTCP Tổng hợp miền Nam đã phối hợp với Seaprodex tiến hành các thủ tục để triển khai dự án. Đầu năm 2015, Seaprodex tiến hành cổ phần hóa, nhóm cổ đông liên quan đến Geleximco đã mua xấp xỉ 35% cổ phần của Tổng công ty (Geleximco Miền Nam sở hữu 15% cổ phần), các cổ đông khác - trong đó có một số cá nhân sở hữu 12% cổ phần, Nhà nước (Bộ NN&PTNT) sở hữu 63% cổ phần.

Ngày 10/12/2015, UBND TP. HCM đã có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 Đồng Khởi để bán chỉ định cho Seaprodex với số tiền 560,18 tỷ đồng. Theo thỏa thuận hợp tác đã ký, tiền đất sẽ do đối tác nộp, tuy nhiên vì trên giấy tờ, Seaprodex đứng tên chủ đầu tư dự án, nên trước mắt, để phù hợp với các quy định liên quan đến thuế, Seaprodex đã nộp 10% số tiền phải nộp cùng 500 triệu đồng lệ phí trước bạ, CTCP Tổng hợp miền Nam sẽ hoàn trả số tiền này cho Tổng công ty.

Rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đây. Khoản đầu tư này (dự kiến 1.400 tỷ đồng) lớn hơn 35% tổng tài sản của Seaprodex hiện nay nên theo điều lệ công ty phải được ĐHCĐ thông qua.

Trước khi đại hội tổ chức hôm 26/4 bắt đầu, 2 cổ đông Vũ Đức Tâm và Nguyễn Khải Hưng nắm giữ trên 8,83 triệu cổ phần, tương đương 7,07% vốn điều lệ Tổng công ty đã có đơn đề nghị đưa vào chương trình đại hội nội dung biểu quyết về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư với Geleximco tại khu đất trên, trong đó nêu rõ các trách nhiệm và quyền lợi của các bên trong hợp đồng hợp tác đầu tư này, đặc biệt về trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất của khu đất; biểu quyết về nguồn tiền nộp từ nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty để thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất; không ủy quyền cho HĐQT; biểu quyết việc dùng tài sản nào thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty để đảm bảo cho việc cấp tín dụng trong trường hợp phải vay vốn của các tổ chức tín dụng để phục vụ thanh toán nộp tiền sử dụng đất; không ủy quyền. Tuy nhiên, những kiến nghị trên không nhận được đa số biểu quyết để đưa vào chương trình làm việc.

Tại phần thảo luận của đại hội, rất nhiều ý kiến qua lại của các cổ đông liên quan đến dự án đầu tư khu đất trên đã được đưa ra. Cuối cùng, khi tiến hành biểu quyết, 63,73% không đồng ý việc Seaprodex không thực hiện đóng nốt số tiền sử dụng đất còn lại, trong đó có cổ đông nhà nước.

Với động thái này, Dự án Đồng Khởi nhiều khả năng sẽ tạm thời bị dừng do mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn của Tổng công ty. Hiện vụ việc đã được các bên báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Cũng cần lưu ý, bất đồng về quyền khai thác khu đất vàng nói trên có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc NN&PTNT chậm trễ thoái hết phần vốn Nhà nước tại Seaprodex trong năm 2015 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.  

Tin bài liên quan