Trước khi tổ chức đấu giá 9% vốn điều lệ của Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) vào ngày 12/12/2016, ngoài công bố thông tin trên báo chí trong nước, SCIC còn công bố, quảng bá sự kiện này ở những phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài nào, thưa ông?
Chúng tôi đã quảng bá, công bố thông tin liên quan đến việc đấu giá cổ phần nhà nước tại Vinamilk trên Bloomberg, Wall Street Journal và Reuters.
Đây là những tờ báo, trang thông tin chuyên về kinh tế, đầu tư, tài chính có uy tín hàng đầu thế giới và có hàng trăm triệu độc giả là nhà đầu tư cả tổ chức lẫn cá nhân quan tâm, theo dõi.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC
Việc lựa chọn 3 cơ quan báo chí hàng đầu thế giới này để công bố thông tin, quảng bá, giới thiệu về việc đấu giá 9% vốn điều lệ của Vinamilk nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của một trong những công ty rất có uy tín trên thị trường Việt Nam.
Quảng bá rộng rãi đợt đấu giá cổ phần ở cả trong và ngoài nước, còn thực hiện chủ trương của Chính phủ là không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn.
SCIC đi roadshow bán vốn nhà nước tại Vinamilk ở một số thị trường nước ngoài chắc cũng nhằm mục đích trên?
Bên cạnh công bố thông tin, quảng bá ở các tờ báo, trang tin có uy tín trên thế giới, SCIC còn tổ chức roadshow bán cổ phần VNM tại Singapore, Hồng Kông và London. Đây cũng là 3 trong những trung tâm tài chính, đầu tư lớn nhất châu Á, châu Âu cũng như trên thế giới.
Tại các cuộc roadshow này, chúng tôi đã gặp gỡ, trực tiếp thảo luận và giải đáp thắc mắc, thông tin với hàng trăm nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu VNM. Sau khi tổ chức roadshow, có khoảng 20 nhà đầu tư đã có thông tin phản hồi trở lại để tiếp tục khai thác thêm thông tin về đợt chào bán VNM.
Theo tôi được biết, hiện có khoảng 10 nhà đầu tư nước ngoài đã gặp gỡ với lãnh đạo Vinamilk để thảo luận, nghiên cứu sâu hơn về hoạt động của công ty này trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào ngày 12/12/2016. Những việc trên cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới cổ phiếu VNM. Đây là sự khởi đầu rất khả quan.
Tôi cho rằng, việc SCIC công bố thông tin, quảng bá và tổ chức roadshow đợt bán cổ phần VNM trên Bloomberg, Wall Street Journal, Reuters và tại Singapore, Hồng Kông, London không chỉ phục vụ cho đợt thoái vốn lần này, mà còn tạo hiệu ứng tốt khi chúng tôi tiếp tục thoái vốn tại Vinamilk cũng như các doanh nghiệp khác.
Qua đợt quảng bá, công bố thông tin ra nước ngoài của SCIC, tôi tin rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm hơn tới hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn, đặc biệt với những doanh nghiệp lớn, hoạt động có hiệu quả.
Muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phiếu VNM, thưa ông, tại sao không nghĩ tới chuyện đồng thời niêm yết cổ phiếu VNM ở cả thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài?
Niêm yết cổ phiếu nào, niêm yết ở thị trường nước ngoài nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý chí của cổ đông, quyết tâm của HĐQT, ngoài ra còn phụ thuộc vào các quy định của thị trường chứng khoán nước ngoài chứ không phải muốn là được. Niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài còn phụ thuộc vào thời điểm niêm yết để làm sao có lợi nhất chứ không phải thích là niêm yết.
Tuy nhiên, trên tinh thần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán nước ngoài. Hy vọng, trong thời gian tới, không chỉ có VNM, mà các cổ phiếu có uy tín khác như FLC, SSI… sẽ niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài.
Trở lại với việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk đợt này. Thưa ông, tại sao SCIC lại khống chế khối lượng nhà đầu tư được phép mua cả ở ngưỡng tối đa lẫn tối thiểu?
Lần này chúng tôi bán 130.630.500 cổ phần tại Vinamilk, tương đương 9% vốn điều lệ và đưa ra mức khống chế nhà đầu tư cả cá nhân lẫn pháp nhân không được mua quá 2,7% vốn điều lệ, tương đương với 39.189.150 cổ phần, vì với mong muốn có nhiều nhà đầu tư được sở hữu “cổ phiếu vàng”, thay vì chỉ một số ít người được mua cổ phiếu này. Còn khống chế nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần là theo quy định tại Quy chế giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, vì đây là mức tối thiểu để có thể thực hiện giao dịch thỏa thuận trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù SCIC mong muốn có nhiều người được “làm chủ” công ty sữa lớn nhất Việt Nam này, nhưng sau khi mua được cổ phần, nhiều nhà đầu tư bán lại thì sao?
Cổ phần cũng là một trong những loại tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo hộ. Sau khi trúng đấu giá cổ phần, nhà đầu tư có toàn quyền quyết định, định đoạt khối lượng cổ phần mà họ nắm giữ, do đây là tài sản của họ. Vì thế, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng số cổ phần mà mình sở hữu trên thị trường chứng khoán.
Giả sử trong đợt đấu giá cổ phần lần này có 100 nhà đầu tư trúng đấu giá, nhưng sau đó 99 nhà đầu tư bán lại cho một nhà đầu tư duy nhất thì cũng không vi phạm pháp luật và cũng không vi phạm Quy chế Bán đấu giá VNM của SCIC.