Sau 2018, Đạm Cà Mau mới tiếp cận giá khí theo giá thị trường

Sau 2018, Đạm Cà Mau mới tiếp cận giá khí theo giá thị trường

(ĐTCK) "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cam kết nguồn cung khí với giá thích hợp để Đạm Cà Mau đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân 12% cho đến năm 2018. Sau năm 2018, Đạm Cà Mau sẽ tiếp cận giá giá khí theo giá thị trường".

Ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ như vậy tại buổi roadshow của Đạm Cà Mau  tại TP. HCM.

Hiện PVN đang khai thác mỏ khí PM3 và một nguồn thứ 2 sắp khai thác, đảm bảo đủ nguồn cung trong vòng 20 năm (từ năm 2012-2032) cho Nhà máy Đạm Cà Mau như hợp đồng dài hạn đã ký kết.

Giá bán khí của PVN bán cho Đạm Cà Mau năm 2012 là 6,43 USD/triệu BTU, năm 2013 là 6,56 USD/triệu BTU. Năm 2014-2018 giá bán khí theo cách tính riêng, nhưng vẫn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận như cam kết ở trên.

Theo ông Hồng, ngoài nguồn lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, thì Đạm Cà Mau còn có nguồn thu từ tự doanh, cũng như từ hoạt động đầu tư tài chính.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận/VCSH chỉ cần đảm bảo 12% chứ không quy định từng hoạt động phải đạt tỷ lệ nào, dựa vào đó, PVN cũng sẽ đưa ra giá khi phù hợp cho từng năm.  

Trước thời điểm IPO ra công chúng của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau, PVN đã đầu tư thêm 920 tỷ đồng vào Đạm Cà Mau nhằm giúp Công ty giảm lãi vay ngân hàng.

Ông Hồng cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt của dự án Đạm Cà Mau thì tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay là 20:80, tuy nhiên vừa qua Chính Phủ đã đồng ý cơ cấu lại vốn của dự án là 30:70. Do đó, PVN đầu tư thêm nhằm giữ đúng tỷ lệ đươc phê duyệt, đồng thời giúp Đạm Cà Mau giảm áp lực vay và hỗ trợ Đạm Cà Mau giai đoạn đầu.

Được biết, Đạm Cà Mau có khoản vay 500 triệu USD để đầu tư nhà máy, đến nay công ty đã trả được 120 triệu USD, còn 380 triệu USD và hầu hết vay trong giai đoạn lãi suất cao. Tuy nhiên, Đạm Cà Mau vừa mới tái cơ cấu được khoản vay 100 triệu USD với lãi suất thấp.

Theo kế hoạch, ngày 11/12/2014 tới, Đạm Cà Mau sẽ tiến hành IPO 128.951.300 cổ phần với giá khởi điểm là 12.000đ/cp. Dự kiến, cổ phiếu Đạm Cà Mau sẽ được niêm yết trên HOSE vào tháng 3 năm 2015. Đây sẽ là phiên đấu giá IPO lớn nhất trong năm 2014.

Ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Dầu khí (PSI) nhận định, với số lượng cổ phần bán ra công chúng lớn, khi niêm yết, Đạm Cà Mau sẽ đảm bảo được lượng thanh khoản tốt trên thị trường và có tác động chỉ số thị trường.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, trong trường hợp  chào bán công khai không hết trong đợt IPO này thì Công ty vẫn tiếp tục chào bán sau IPO. Khoản thặng dư từ IPO sẽ được chuyển về PVN.

Tại buổi roadshow, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về tình trạng dư cung thì Đạm Cà Mau có đạt được sự tăng trưởng doanh thu như kỳ vọng. Ông Tiến cho biết, ngoại trừ Trung Quốc thì khu vực châu Á luôn thiếu hụt phân bón và vẫn phải nhập khẩu từ các thị trường khác. Hàng năm,sản phẩm Đạm Cà Mau xuất khẩu khoảng 80-100 ngàn tấn/năm. Bên cạnh đó, Công ty đang nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, từng bước giảm sản xuất ure mà thay bằng sản phẩm khác tốt hơn, biên lợi nhuận cao hơn.

Trong giai đoạn 2015-2018, Công ty lên phương án đầu tư dây chuyền sản xuất hóa dầu, phân bón thực vật, mở rộng phân xưởng, kho chứa…với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Hiện thị phần trong nước của Đạm Cà Mau chiếm 35% trong toàn quốc, còn riêng khu vực Tây Nam Bộ là 55% và với thị trường Campuchia là 30%. Mục tiêu của Công ty sẽ phấn đấu thị phần Tây Nam bộ lên 65% và tại thị trường Campuchia là 40%, đây cũng là là thị trường mục tiêu của Đạm Cà Mau.

Tin bài liên quan