Sabeco và chiến lược "lột xác"

Sabeco và chiến lược "lột xác"

(ĐTCK) Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã và đang thay đổi mạnh mẽ để tăng cường khả năng cạnh tranh. Liệu kế hoạch “lột xác” có dễ dàng với Sabeco?

Quyết tâm “lột xác”

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, Ban lãnh đạo Sabeco đã báo cáo một loạt thay đổi của Sabeco trong năm 2012. Về điều hành, Sabeco tiến hành hợp nhất hệ thống, từ thương mại đến vận tải, 2 lĩnh vực mà nhiều năm qua Sabeco chưa kiểm soát được. Trong công tác marketing-bán hàng, Sabeco tập trung phát triển thương hiệu “Bia SAIGON”, tung ra các sản phẩm mới sau gần 10 năm không có sản phẩm mới. Với công tác vận tải, Sabeco yêu cầu đơn vị vận tải phải xây dựng “bản đồ vận tải”, giúp giảm chi phí và giảm áp lực thiếu hàng trong dịp lễ tết. Ngoài ra, Sabeco khôi phục lại công nghệ lên men cổ truyền, nuôi cấy thành công chủng men mới phục vụ sản phẩm cao cấp.

Sabeco và chiến lược "lột xác" ảnh 1

Năm 2013, Sabeco dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác bán hàng và phát triển thương hiệu

Về nhân sự, Sabeco điều chỉnh chính sách lương thưởng theo vị trí công tác và năng suất, đổi mới hệ thống tổ chức quản  trị theo mô hình công ty đại chúng có quy mô lớn. Về đầu tư, Sabeco triển khai nhiều dự án xây dựng - mở rộng nhà máy bia ở Ninh Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, xây kho chứa nguyên liệu… Trong công tác quản trị tài chính, Sabeco cho triển khai hệ thống hiện đại hóa quản trị DME (DCS, MES, ERP), xây dựng “Thiết chế tài chính” . Sabeco cũng tìm cách thanh lý tài sản tồn đọng, thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Theo giới quan sát, những thay đổi đáng kể trên nhiều phương diện ở Sabeco cho thấy, Tổng công ty đang muốn “lột xác”. Bước “lột xác” năm 2013 ở Sabeco dự kiến sẽ quyết liệt hơn.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết, thời gian tới, Sabeco có thể chỉ tập trung vào sản xuất bia. Vì thế, Tổng công ty sẽ kiến nghị đổi tên và tìm cách khuếch trương hơn nữa thương hiệu Bia Sài Gòn, tiến tới chấm dứt sản xuất bia không thuộc nhãn hiệu Bia Sài Gòn ở các công ty thành viên. Theo kế hoạch, Sabeco dự kiến dành 1.000 tỷ đồng, tức tăng gấp đôi so với năm ngoái, cho công tác bán hàng và phát triển thương hiệu. Mục tiêu của Sabeco trong năm 2013 là không chỉ tăng độ nhận biết trong nước, mà còn quốc tế hóa thương hiệu.

Về dự án hiện đại hóa quản trị, theo ông Tuất, đây là dự án đầu tư tốn cả ngàn tỷ đồng và kéo dài nhiều năm (ước hoàn thành vào năm 2015-2016), nhưng sẽ giúp Sabeco quản trị, điều hành đạt hiệu quả tối ưu. Sabeco cũng sẽ tiếp tục các kế hoạch đầu tư rót vốn vào các dự án xây nhà máy bia mới,  dù năng lực sản xuất thực tế của Sabeco đang khá tốt. Khi các nhà máy mới hoàn thành, những nhà máy cũ sẽ bị “khai tử”.

 

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Có 2 lý do để Sabeco buộc phải “lột xác”. Thứ nhất, nói như ông Phan Đăng Tuất, Sabeco phải thay đổi cho phù hợp với tầm vóc, quy mô của Tổng công ty. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là Sabeco phải thay đổi để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ.

Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam tiêu thụ trung bình 2,7 tỷ lít bia/năm, là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Theo Euromonitor International, tốc độ tăng trưởng kép sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 được dự báo từ 6 - 9,99%/năm. Với một thị trường hấp dẫn như vậy, các hãng bia lớn trên thế giới lần lượt có mặt tại Việt Nam . Asia Pacific Brewers Ltd (APB), Tập đoàn đang sở hữu nhãn hiệu bia Heineken, Tiger, dù chỉ giữ nắm 18,3% thị phần bia ở Việt Nam, nhưng hơn một nửa lợi nhuận tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của APB lại do thị trường Việt Nam đóng góp. Các hãng bia khác lớn như SABMiller, Carlsberg cũng không có lý do từ bỏ thị trường được cho là rất màu mỡ này.

Vì thế, dù nắm thị phần hơn 35%, Sabeco vẫn lo về nguy cơ bị cạnh tranh. Mối lo của Sabeco càng tăng khi Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev), tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới (nắm gần 25% thị phần toàn cầu) dự kiến tham gia thị trường Việt Nam vào cuối năm 2014. Ông Tuất chia sẻ, thêm “gã khổng lồ” này, việc cạnh tranh để bán 1 tỷ lít bia ở Việt Nam sẽ là bài toán khó, Sabeco cần thay đổi, tăng cường hoạt động marketing.

Sabeco đã khởi động và tích cực triển khai các chiến lược nâng cấp, nhưng với đặc điểm cổ đông Nhà nước nắm gần 90% vốn ở Sabeco, cổ đông có lý do để lo ngại, Sabeco có đạt được những thay đổi có tính “lột xác” như kế hoạch không?