Lấy lý do dồn tiền vào các dự án, S96 hết lần này đến lần khác thất hứa cổ tức

Lấy lý do dồn tiền vào các dự án, S96 hết lần này đến lần khác thất hứa cổ tức

S96 xin lùi cổ tức 2010 sang... 2016

(ĐTCK) Tình trạng DN khất cổ tức năm này sang năm khác đã xói mòn niềm tin của cổ đông và nhà đầu tư bấy lâu nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chưa có chế tài nào buộc lãnh đạo DN phải thực hiện nghĩa vụ này với cổ đông.

Sau 4 lần khất nợ, S96 vẫn chưa trả cổ tức 2010

Phản ánh với ĐTCK mới đây, ông Phạm Minh Hải, cổ đông của CTCP Sông Đà 9.06 (S96) cho biết, S96 đã 4 lần khất nợ cổ tức từ năm 2010, mặc dù Công ty đã chốt quyền và giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh.

Theo ông Hải, S96 đã thông qua nghị quyết trả cổ tức năm 2010, với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt và dự kiến trả vào ngày 12/8/2011. Sau đó, lấy lý do Công ty cần vốn để thực hiện các dự án, lãnh đạo S96 xin khất trả cổ tức 2010 sang ngày 30/12/2011. Lần khất nợ thứ hai là ngày 29/6/2012. Ở lần khất nợ thứ ba, sang tháng 12/2012, S96 cho biết, Công ty vẫn chưa thu xếp được nguồn tiền để trả cổ tức và đang xin ý kiến UBCK về việc thay đổi hình thức trả cổ tức năm 2010, từ tiền mặt sang cổ phiếu theo Nghị quyết của ĐHCĐ thường niên năm 2010. Tuy nhiên, đề nghị này đã không nhận được sự đồng tình của cổ đông (vì thị giá cổ phiếu của Công ty đã thấp hơn nhiều so với mệnh giá). Sau đó, S96 thông báo về việc xin điều chỉnh thời gian trả cổ tức năm 2010 đến ngày 31/12/2014.

Ông Hải cho biết, sau 4 lần khất cổ tức 2010, đến ngày 31/12/2014, cổ đông không nhận được tiền đã đành, cũng không nhận được bất cứ phản hồi gì từ phía lãnh đạo S96. Điều đáng nói ở đây là dù chưa trả cổ tức cho cổ đông, nhưng S96 đã thực hiện chốt danh sách cổ đông tại thời điểm tháng 8/2011 và giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh. 

Theo cổ đông S96, giá cổ phiếu S96 từ thời điểm đầu năm 2011 đến nay đã sụt giảm mạnh, hiện giờ chỉ ở mức 2.500 đồng/CP, giảm hơn 80% so với thời điểm chốt danh sách. Việc cổ phiếu giảm cũng do tình hình chung của thị trường, nhưng điều khiến cổ đông bức xúc là Công ty đã thực hiện chốt quyền, khiến cổ đông “thiệt đơn, thiệt kép”.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đinh Ngọc Ánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc S96 cho biết, khất cổ tức là việc làm bất đắc dĩ, bản thân lãnh đạo Công ty cũng không muốn thất hứa với cổ đông, nhưng vì thời gian qua, Công ty không thể thu xếp được nguồn tiền.

“Khoản cổ tức 20%, tương đương 20 tỷ đồng tiền mặt là một khoản tiền lớn đối với S96 ở thời điểm này. Công ty đã xin ý kiến cổ đông về việc chuyển tiền mặt sang cổ phiếu, nhưng cổ đông không đồng ý và nếu nhận tiền mặt thì phải chờ Công ty thu xếp. Hiện S96 đang bán một số dự án để thu tiền trả cổ tức”, ông Ánh nói và cho biết thêm, bản thân ông cũng nắm nhiều cổ phần S96 nên ông cũng “chịu thiệt” nếu DN không trả cổ tức. Ông Ánh cho biết, để có thời gian thu xếp tiền trả cổ tức cho cổ đông, S96 vừa ra nghị quyết xin lùi cổ tức sang cuối năm 2016. 

Chây ỳ cổ tức, chế tài ở đâu?

Trên thực tế, không riêng S96, trên thị trường hiện có rất nhiều DN lần lữa nghĩa vụ trả cổ tức. Một DN khác cùng “họ” Sông Đà là CTCP Sông Đà 7 (SD7) cũng bị một nhóm cổ đông nhỏ lẻ phản ánh với ĐTCK về việc có tới 3 bận khất lần việc trả cổ tức 16% từ năm 2010, với lý do việc thu hồi tiền bán hàng, thu hồi công nợ tại các công trình thi công không theo kế hoạch. Tương tự S96, SD7 đã thực hiện điều chỉnh giá tại ngày chốt danh sách cổ đông, khiến cổ đông rất bức xúc.

“Người anh em” của S96 và SD7 là CTCP Sông Đà 704 cũng liên quan đến việc chây ỳ trả cổ tức. Mặc dù vậy, sau phản ứng của nhóm cổ đông và qua các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay, ban lãnh đạo S74 đã đi đến thống nhất chi trả cổ tức 23% bằng tiền mặt (năm 2011 và năm 2012).

Ngoài ra, còn một loạt DN nằm chậm trả cổ tức của nhiều năm trước như CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE), CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA)… Mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) cũng dời quyết định thay đổi thời gian thanh toán cổ tức 2010 bằng tiền, với tỷ lệ 10% đến 31/3/2015.

Dù cổ tức là quyền lợi chính đáng của cổ đông khi DN kinh doanh có lợi nhuận, nhưng thực tế, cổ đông khó có thể khởi kiện DN khi DN chậm trả cổ tức. Bởi theo ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc trả cổ tức hoàn toàn là vấn đề nội bộ Công ty, pháp luật chưa quy định thời hạn DN phải trả cổ tức và cũng như không có quy định xử phạt nếu DN chậm trả. Một khi pháp luật chưa có quy định về việc thanh toán cổ tức, cổ đông chỉ còn biết trông chờ vào lời hứa của lãnh đạo và uy tín của DN.

Tin bài liên quan