Hiện GMC đang tập trung nguồn tiền để lo lương thưởng cho 4.000 lao động

Hiện GMC đang tập trung nguồn tiền để lo lương thưởng cho 4.000 lao động

Rủi ro với cổ đông đến sau của GMC

(ĐTCK) Cơ quan thuế vừa quyết định thu hồi 16,8 tỷ đồng của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) liên quan đến chuyển nhượng dự án tại mặt bằng 107 Trần Hưng Đạo, Quận 5, TP. HCM. 

Đây là khoản lợi nhuận GMC thu được từ chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty sở hữu quyền sử dụng khu đất trên (sau khi đã trừ đi các nghĩa vụ thuế đã nộp ngân sách).

Vụ việc bắt đầu từ năm 2005, khi ĐHCĐ GMC quyết định góp 51% vốn thành lập Công ty TNHH hai thành viên Đại Thế Giới cùng Công ty Quản lý và Phát triển nhà Quận 5. Kế hoạch đặt ra là hai đối tác sẽ cùng triển khai dự án bất động sản trên khu đất 107 và 107 B Trần Hưng Đạo, nơi mỗi bên có quyền sử dụng đất. Sau đó, do tình hình thị trường chung khó khăn, cả 2 thành viên đều không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. Vì thế, HĐQT GMC sau nhiều lần thảo luận đã quyết định chuyển nhượng 41% vốn điều lệ của Đại Thế Giới cho Công ty Hồng Quang. Đến ĐHCĐ năm 2008 đã biểu quyết bán nốt 10% vốn điều lệ còn lại của Đại Thế Giới cho Hồng Quang.

Năm 2011, Thanh tra TP. HCM đã tiến hành thanh tra Dự án Trung tâm thương mại tại số 107, Trần Hưng Đạo và kết luận, việc chuyển nhượng vốn góp và ký hợp đồng góp vốn giá trị quyền sử dụng đất khi Công ty chưa có giấy chứng nhận quyền sử đất là vi phạm Luật Đất đai. Từ đây, Cục Thuế TP. HCM ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc GMC nộp vào Ngân sách số tiền 16,8 tỷ đồng.

Vụ việc sẽ không có gì đáng nói nếu sau mỗi lần chuyển nhượng, GMC không hạch toán tiền thu được vào lợi nhuận và chia cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, lần chuyển nhượng 41% vốn góp, GMC hạch toán 5,34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và ĐHCĐ nhất trí chia cổ tức 15% và trích lập các quỹ. Lần chuyển nhượng 10% vốn còn lại trị giá 11,450 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí hợp lý được tính chung vào lợi nhuận sau thuế năm 2009 và sau đó chia cổ tức 22%, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện 10:9. Như vậy, lợi nhuận từ chuyển nhượng phần vốn góp đã được chia hết cho các cổ đông cũ. Các cổ đông mới “vào sau” sẽ phải chấp nhận việc Công ty dùng lợi nhuận để nộp 16,8 tỷ đồng lại cho Nhà nước.

Theo báo cáo tài chính quý III/2014, GMC có số dư tiền mặt là 74 tỷ đồng. Với đặc thù sản xuất hàng FOB, nhu cầu vốn lưu động của GMC khá lớn. Nếu phải nộp số tiền theo yêu cầu của cơ quan thuế trong vòng 10 ngày thì GMC sẽ phải tăng sử dụng hạn mức vốn vay, tăng chi phí tài chính của Công ty.

Ông Lê Quang Hùng Chủ tịch HĐQT GMC cho biết, đây là một rủi ro với các cổ đông đến sau của GMC, nhưng Công ty sẽ cố gắng để không ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng dài hạn. Vào thời điểm cuối năm, GMC đang tập trung nguồn tiền để lo lương thưởng cho 4.000 lao động. Vì vậy, việc phải nộp ngay một khoản tiền lớn là áp lực với Công ty. GMC sẽ đề xuất cơ quan thuế cho khấu trừ khoản hoàn thuế VAT hơn 8 tỷ đồng mà Nhà nước đang nhận để đóng một nửa số tiền bị truy thu. Phần còn lại xin được nộp vào năm 2016. Theo kết quả ước tính năm 2014, GMC đạt lợi nhuận trước thuế hơn 74 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia 25 - 30% (đã trả 15%).          

Tin bài liên quan