Ngoài những câu chuyện “nhấn mạnh” có thể khiến cục diện lãi lỗ của PVC năm 2014 thay đổi ngay lập tức, có những vấn đề có lẽ “cần nhấn mạnh” của Tổng công ty sẽ khó khắc phục trong ngày một, ngày hai.
Mông lung chủ sở hữu dự án…
Tại thuyết minh số 14 của Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2014, có một điểm đáng chú ý liên quan đến giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp – Tiền Giang. Theo đó, dự án này từ cuối năm 2013 đến nay liên tục được hạch toán ở mức 102 tỷ đồng giá trị xây dựng cơ bản dở dang, đã bị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Tổng công ty từ đầu năm 2014.
Số phận khoản chi phí mà PVC đã phát triển dự án cũng như khả năng thu hồi vốn sẽ là một ẩn số, tùy thuộc vào tính pháp lý của dự án này. Thế nhưng, đến thời điểm này, PVC vẫn hạch toán khoản này, do phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã ban hành quyết định không giao dự án nói trên cho PVC chỉ 1 ngày sau khi dự án bị ra quyết định dừng thực hiện. Song hành với quyết định trên, PVN đã chấp thuận nguyên tắc thanh toán cho PVC chi phí đã thực hiện đầu tư vào dự án.
Chỉ có điều, sau hơn 1 năm kể từ ngày PVN ra quyết định về chủ trương trên, tình trạng pháp lý của Dự án Soài Rạp vẫn bất động. Phía PVC tin tưởng PVN sẽ thanh toán đầy đủ các khoản chi phí mà PVC đã bỏ ra để thực hiện dự án, nhưng NĐT có quyền nghi ngờ về điều này, vì dẫu sao, họ cũng đã phải chờ đợi hơn 1 năm.
… và những khoản dự thu chưa biết bao giờ thành hiện thực
Thuyết minh số 39 của PVC lại nêu ra một mảnh ghép khác có thể sẽ xuất hiện trong bức tranh tài chính của PVC. Đó là các khoản dự thu có thể thu được, nếu được phê duyệt. Giá trị hàng trăm tỷ đồng có thể sẽ gây thay đổi hoàn toàn tình trạng tài chính của PVC. Nhưng có một điều các cổ đông băn khoăn là đến bao giờ PVC mới có thể chạm tay vào những khoản dự thu này?
Trước hết là khoản chi phí phát sinh chưa lường hết của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Theo đó, tổng giá trị phát sinh chưa lường hết của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 được PVN phê duyệt là 1.090 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh ngoài dự toán sau thẩm tra, thẩm định của PVN đối với các hạng mục mà PVC đã triển khai là 290 tỷ đồng trên tổng giá trị gói thầu 1.322 tỷ đồng. Đến thời điểm này, giá trị các khoản mục này chưa phản ánh trong báo cáo tài chính và vẫn ở dạng… tin tưởng sẽ được ký bổ sung!
Một dự án nữa cũng ở trong tình trạng tương tự, là dự án xây lắp trọn gói ký với CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học Dầu khí để xây dựng Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu sinh học miền Bắc có giá trị phát sinh tăng 14 triệu USD. Hiện Dự án đã dừng triển khai và PVC đã đề xuất với PVN về việc thanh toán phần giá trị phát sinh này.
“PVN vẫn chưa có quyết định đối với đề nghị của Tổng công ty. Ban Tổng giám đốc tin tưởng chắc chắn rằng giá trị phát sinh ngoài hợp đồng sẽ được ký kết bổ sung”, thuyết minh báo cáo tài chính PVC viết.
Ngoài 2 dự án này, một dự án nữa cũng được PVC lưu ý với các nhà đầu tư, là dự án EPC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với giá trị là 918 triệu USD và 5.874 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị tạm tính của PVC với các nhà thầu phụ đã vượt quá tổng giá trị hợp đồng EPC và PVC chưa hạch toán lãi, lỗ của Dự án. Nếu không điều chỉnh được hợp đồng EPC này, PVC có thể sẽ ghi nhận khoản lỗ từ hợp đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Chỉ với 3 dự án này, quá nhiều ẩn số có thể sẽ xảy ra đối với tình hình kinh doanh, kéo theo đó là bức tranh tài chính của PVC. Tuy nhiên, giải quyết được các điểm này không phải là câu chuyện của PVC, mà là quyết định của Tập đoàn mẹ - PVN và có thể kéo theo đó là sự phê duyệt của cấp lãnh đạo cao hơn. Điều này có nghĩa là, chưa biết đến bao giờ, các điểm đơn vị kiểm toán Deloitte “nhấn mạnh” của PVC mới kết thúc. Và cũng không rõ đến thời điểm nào, cổ đông PVC mới có thể tự tin nắm chắc giá trị thực khoản đầu tư của chính mình!