Câu chuyện này khiến NĐT có thể hiểu là, khoản lãi hơn 15 tỷ đồng năm 2014 của cổ đông công ty mẹ rất mong manh và tình trạng không rõ ràng về tài chính của PVX sẽ rất khó để Tổng công ty khắc phục được trong tương lai gần, khi câu chuyện không nằm trong quyền tự quyết của chính PVX.
Mong manh khoản lãi 15,4 tỷ đồng
Cuối năm 2014, PVX ghi nhận tăng trưởng kết quả kinh doanh ấn tượng, đạt 8.928 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần gấp đôi so với năm 2013 là 4.962 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ tăng giá vốn hàng bán thấp hơn, sụt giảm mạnh về chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giúp PVX ghi nhận lãi thuần hơn 17 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 15,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là âm 1.622,7 tỷ đồng.
Với kết quả này, PVX không bị lỗ 3 năm liên tiếp, đồng nghĩa với việc cổ phiếu PVX được “ung dung” ở lại sàn HNX.
Thế nhưng, nhìn chi tiết hơn Báo cáo kiểm toán do đơn vị kiểm toán cho PVX là Delloitte cung cấp lại cho thấy, con số lãi của PVX thực sự quá mong manh. Và nếu tính đến ảnh hưởng của các khoản được kiểm toán đưa ý kiến “vấn đề cần nhấn mạnh”, PVX liệu có lãi không?
Cụ thể, tại ngày 31/12/2014, PVX có 504,2 tỷ đồng số dư gốc các khoản phải thu một số công ty liên quan đến việc Tổng công ty thanh toán hộ hoặc cho các công ty này vay lại theo các hợp đồng tín dụng giữa Ocean Bank và Tổng công ty. Các khoản này đã được Ocean Bank gia hạn đến 31/12/2017 và Tổng công ty đánh giá là các khoản này có thể thu hồi nên đã hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi với số tiền 84,6 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, PVX có các khoản bảo lãnh trị giá 564 tỷ đồng cho các khoản tín dụng đã đến hạn và quá hạn của một số đơn vị. Tuy nhiên, cũng theo PVX, do một số nghĩa vụ bảo lãnh đã thay đổi nên PVX đã hoàn nhập dự phòng 46 tỷ đồng nghĩa vụ nợ phải trả liên quan đến các khoản bảo lãnh này.
Vì sao kiểm toán lưu ý?
Cuối năm 2014, PVX có tới gần 1.264 tỷ đồng nợ phải thu, trong đó bao gồm một số khoản PVX thanh toán hộ hoặc cho vay lại theo hợp đồng với Ocean Bank; hoặc khoản tranh chấp do bảo lãnh với SHB, Ocean Bank và khoản thu khác.
Các đơn vị phải thu trong nhóm này gồm PVX-SG (221,557 tỷ đồng), CTCP Khách sạn Lam Kinh (219,191 tỷ đồng); Thương mại Dầu khí - IDICO (115,767 tỷ đồng), Khoáng sản Hợp Thành (98,214 tỷ đồng). Đây là các khoản PVX thực hiện trả nợ hộ hoặc cho vay theo hợp đồng tín dụng với Ocean Bank.
Ngoài ra, PVX còn hạch toán khoản 85,447 tỷ đồng phải thu SHB và 45,447 tỷ đồng phải thu Ocean Bank là khoản đã bị 2 ngân hàng khấu trừ từ tài khoản tiền gửi để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của PVX.
Ngoài các khoản phải thu, PVX có hơn 568 tỷ đồng nghĩa vụ trả nợ tiềm tàng do bảo lãnh khoản vay các đơn vị, với 564 tỷ đồng đã quá hạn, bao gồm: 227,639 tỷ đồng bảo lãnh vay nợ của PVX-SG, 73,668 tỷ đồng bảo lãnh vay của PVX-HN, hơn 64 tỷ đồng của PVX-ME, gần 53 tỷ đồng của PVX-MT, 99,7 tỷ đồng của PVX-IMICO, 32 tỷ đồng của PVX-KBC. Chưa rõ thực trạng các khoản phải thu nói trên thế nào, nhưng chỉ xét riêng các khoản phải thu, nghĩa vụ nợ phát sinh tiềm tàng liên quan đến PVX-SG, PVX-MT của PVX cũng đáng xem xét.
Tổng các khoản phải thu cũng như có thể phải trả nợ thay PVX-SG của PVX lên tới gần 450 tỷ đồng. Quan trọng hơn, từ cuối năm 2013, PVX-SG đã phải ghi nhận con số âm 207 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tương tự như vậy, PVX-MT cũng ghi nhận con số âm vốn chủ sở hữu từ lâu, trong khi đang có nợ quá hạn tại ngân hàng do PVX bảo lãnh lên tới gần 53 tỷ đồng.
Năm 2014, PVX đã đánh giá khả quan các khoản phải thu, nghĩa vụ trả nợ tiềm tàng thông qua việc hoàn nhập dự phòng nợ đã trích cho các khoản mục trên. Thế nhưng, nhìn vào con số lãi vỏn vẹn hơn 15 tỷ đồng cuối kỳ, nhìn vào chất lượng các DN liên đới trong các khoản nợ trên và bản thân việc chấp nhận có nợ quá hạn của các DN này, công chúng có quyền nghi ngờ và đặt câu hỏi: việc hoàn nhập dự phòng nói trên đến từ thay đổi thực chất của các công ty có liên quan, hay vì mục tiêu có báo cáo tài chính có lãi?
Kỳ 2: Các khoản ngoại trừ kéo dài