Như vậy, chặng đường cán đích cuộc đua tái cơ cấu DN của PVN so với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác có vẻ như đã ngắn bớt khá nhiều, song việc hoàn thành cuộc đua này còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thành công của các phương án mà Tập đoàn đã vạch ra cũng như nhiều nhân tố khách quan khác.
Ông Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc PVN cho biết, 3 DN sẽ phải hoàn thành CPH từ nay đến 2015 là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) - đơn vị PVN tiếp nhận từ Vinashin. Hai đơn vị còn lại là Tổng công ty Điện lực dầu khí và Tổng công ty Dầu (PV Oil) sẽ tiến hành CPH sau 2015. Theo đề án này, sau khi tái cấu trúc, Tập đoàn chỉ giữ lại Công ty mẹ PVN và Tổng công ty Tìm kiếm thăm dò và khai thác Dầu khí (PVP) là công ty 100% vốn nhà nước.
Về tiến độ CPH cụ thể của từng đơn vị, ông Hồng cho biết, hiện tại đối với PVCFC, PVN đã hoàn thành việc xác định giá trị cổ phần và chuẩn bị xong mọi điều kiện CPH, chỉ còn vướng về vấn đề giá khí.
“Tập đoàn đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách giá khí cho nhà máy trong năm 2015 và những năm tiếp theo sau CPH. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chính sách giá khí, sẽ tiến hành IPO ngay, dự kiến, trong tháng 12 năm nay, PVN sẽ hoàn thành xong việc CPH công ty này”, ông Hồng khẳng định.
Hiện giá CPH được xác định trên cơ sở tư vấn giá trị theo sổ sách kế toán của PVCFC là 3.900 tỷ đồng, giá trị tài sản được định giá để CPH là 5.300 tỷ đồng.
Về phương án CPH BSR, theo ông Hồng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đang đàm phán với tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga - Gazprom Nelf, theo hướng chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên, trong đó PVN nắm 51% cổ phần, Gazprom Nelf nắm 49%.
“Quá trình đàm phán đang diễn ra khẩn trương, quyết liệt và thận trọng, có sự tham gia của các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ, hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2015. Phương án dự phòng nếu đàm phán không thành công, PVN sẽ triển khai đầu tư và CPH nhà máy sau đó”, ông Hồng chia sẻ.
Liên quan đến thương vụ đàm phán “khủng” này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết thêm, việc đàm phán chuyển nhượng cổ phần của BSR cho Tập đoàn Gazprom Nelf nằm trong Thỏa thuận khung đã ký giữa chính phủ 2 nước.
“Quá trình đàm phán hợp đồng cũng như thỏa thuận liên chính phủ và các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng nhà máy lọc dầu đang được gấp rút chuẩn bị, một số văn bản thỏa thuận đã hoàn thành. Đặc biệt, một số thỏa thuận đáng chú ý như phía Gazprom Nelf cam kết sẽ bán dầu thô dài hạn để đảm bảo cho việc tiêu thụ dầu thô cho nhà máy lọc dầu, thỏa thuận liên quan đến đầu tư mở rộng nâng cấp nhà máy đã được thống nhất, hy vọng trong tháng 12 tới, thỏa thuận liên quan chuyển nhượng 49% nhà máy sẽ được hoàn tất”, ông Sơn nói và cho biết, dự kiến lợi nhuận của Nhà máy lọc dầu Bình Sơn năm nay đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng so với năm ngoái hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi từ đầu năm đến nay, giá dầu thô giảm mạnh so với năm trước, giá dầu sản phẩm có độ trễ nhất định là yếu tố tạo ra giá trị làm tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, sau thời gian bảo dưỡng định kỳ, Nhà máy đã vận hành thường xuyên, mang lại hiệu quả hơn.
Đối với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, theo ông Hồng, việc CPH đơn vị này hết sức khó khăn. Vốn đầu tư quá lớn, trong khi phần giá trị vốn Nhà nước đã hết do Công ty lỗ lớn, nên không đủ điều kiện để CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn đang nghiên cứu để chuyển sang hình thức quản lý theo mô hình CTCP với sự tham gia của SCIC và cán bộ trong ngành. Dự kiến nếu đến 2015 không CPH được đơn vị này, sẽ thực hiện tái cơ cấu theo phương án trên.
Về 2 đơn vị sẽ CPH sau 2015, ông Hồng cho biết, đối với Tổng công ty Điện lực Dầu khí, PVN đang trình Thủ tướng cho phép CPH sớm, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015. Còn với PV Oil, Tập đoàn đang chỉ đạo để công ty này tiến hành sắp xếp lại và tái cấu trúc các công ty thành viên cho đến 31/12/2015, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trình Thủ tướng phương án CPH sau năm 2015.