Phanh gấp đề xuất tăng vốn tại SAGS

Phanh gấp đề xuất tăng vốn tại SAGS

Đề nghị tăng vốn điều lệ tại công ty liên kết Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đang mang lại siêu lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bị Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá có thể ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông Nhà nước.

Chuyện hy hữu

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa phát văn bản hỏa tốc yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại SAGS, mã chứng khoán SGN, dừng ngay việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ. Chỉ đạo này có giá trị ngay cả khi Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của SGN đã họp và thông qua chủ trương tăng vốn.

Lý do khiến Bộ GTVT yêu cầu ACV dừng ngay việc thực hiện tăng vốn tại công ty liên kết là nội dung công văn báo cáo của người đại diện phần vốn Nhà nước tại SAGS chưa đầy đủ theo quy định và nhất là một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cổ đông Nhà nước.

Trước đó, ngày 8/3/2017, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về việc Hội đồng Quản trị Tổng công ty chấp thuận cho người đại diện tại SAGS biểu quyết thông qua các phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017.

Cần phải nói thêm rằng, văn bản chỉ đạo nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước dừng việc tăng vốn của Bộ GTVT là khá chậm, bởi đúng một ngày trước đó (14/3), Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của SAGS đã có nghị quyết thông qua chủ trương này.

Được biết, theo phương án phát hành được thông qua, SAGS sẽ phát hành thêm 5.994.600 cổ phiếu (tỷ lệ phát hành 30%) để nâng vốn điều lệ của Công ty lên 259,946 tỷ đồng. Do nắm 48,02% vốn điều lệ, nên ACV được quyền ưu tiên mua 48,02% số lượng cổ phiếu phát hành thêm, tương đương 2.878.607 cổ phiếu. Với giá phát hành 30.000 đồng/cổ phiếu, ACV sẽ phải bỏ ra khoảng 86,3 tỷ đồng để giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại SAGS.

Con gà đẻ trứng vàng

Theo các chuyên gia, lý do chính khiến Bộ GTVT cảm thấy lo ngại về nguy cơ lợi ích của cổ đông Nhà nước bị tổn hại nằm ở đề nghị xin chuyển nhượng toàn bộ quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm này.

Trong văn bản báo cáo việc tăng vốn, lý do xin nhượng quyền ưu tiên mua cổ phiếu của SAGS được ông Nguyễn Nguyên Hùng đưa ra là “ông lớn cảng hàng không” này đang trong quá trình tái cơ cấu các khoản đầu tư và muốn tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là quản lý, vận hành khai thác cảng hàng không.

Như vậy, với mức giá khớp lệnh thành công của cổ phiếu SAGS hôm 27/3/2017 ở mức 180.000 đồng/cổ phiếu, nếu chuyển nhượng quyền 2,88 triệu cổ phiếu thành công, ACV có thể thu được ít nhất 310 tỷ đồng. Đổi lại, tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước do ACV quản tại SAGS chỉ còn  36%.

Cần phải nói thêm rằng, ngoài việc vượt quyền Bộ GTVT, chủ trương chuyển nhượng quyền mua cổ phần, làm giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại SAFS của ACV là điều khá khó hiểu. Hiện SAGS là “con gà đẻ trứng vàng”, khi đơn vị phục vụ mặt đất làm ăn có lãi nhất trong lĩnh vực hàng không tại 3 sân bay chính là Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.

Tại Tân Sơn Nhất – cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, SAGS đang cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho 55% tổng số hãng hàng không đang khai thác thương mại thường lệ. Đặc biệt, năm 2016, SAGS công bố doanh thu lên tới 876,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 174,2 tỷ đồng; chi trả cổ tức 50% (bằng tiền mặt), trong khi vốn điều lệ chỉ có 140 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2017, Hội đồng Quản trị SAGS đề xuất, đặt mục tiêu doanh thu 1.006 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 195 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 30%.

“ACV phải bổ sung tài liệu, làm rõ phương án phát hành, đảm bảo phù hợp với ngành nghề kinh doanh, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đầu tư phát triển của Tổng công ty đã được Bộ GTVT giao và làm rõ lợi ích của cổ đông Nhà nước”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Tin bài liên quan