Phân bón Bình Điền nhắm phát triển thị trường Myanmar, Thái Lan

(ĐTCK) Mặc dù thị trường phân bón năm 2016 được nhận định là có nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết nhưng HĐQT BFC vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh cùng kế hoạch đẩy mạnh phát triển thị trường tại Myanmar và Thái Lan.
Phân bón Bình Điền nhắm phát triển thị trường Myanmar, Thái Lan

ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) diễn ra sáng nay (27/4) tại TP. HCM đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu 6.624 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 369,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,6% và 5,2% so với thực hiện năm 2015. Mức cổ tức dự kiến 20%.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc BFC trả lời ý kiến cổ đông về căn cứ lập nên kế hoạch kinh doanh trên nhằm “tạo thêm trách nhiệm cho đội ngũ lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ, đẩy mạnh tinh thần làm việc của CBCNV của BFC”.

Quý I/2016, lợi nhuận hợp nhất của BFC tăng 7-8% so với cùng kỳ năm 2015.

“Mục tiêu lớn nhất của HĐQT Công ty là mang về lợi nhuận nhiều nhất cho cổ đông và giữ vững thị trường để đảm bảo sản xuất lâu dài”, ông Hùng chia sẻ.

Năm 2015, BFC chiếm 25-30% thị phần tiêu thụ phân bón của cả nước, trong đó tiêu thụ mạnh và ổn định nhất là khu vực Tây Nguyên với các loại cây trồng lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu,… Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào của thế giới đang tăng, BFC sẽ có kế hoạch cân đối giá tùy theo từng vùng, đảm bảo giá bán ở mức chấp nhận được.

Trong năm nay, BFC sẽ đẩy mạnh mục tiêu chiếm lĩnh thị trường mới là Myanmar và Thái Lan. Theo đó, HĐQT BFC sẽ trình kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK tại Myanmar trong thời gian sớm nhất sau khi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đại diện 65% vốn nhà nước tại BFC thông qua.

Theo ông Phan Văn Tâm, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Marketing của BFC, trong những năm qua, sản phẩm phân bón Đầu trâu của Công ty đã phân phối tại thị trường và nhận được sự tin dùng của nông dân Myanmar. Thực tế cho thấy, trình độ kỹ thuật canh tác của nông dân Myanmar còn nhiều hạn chế trong khi diện tích trồng lúa là rất lớn. Bình quân lượng phân bón trên 1 hecta lúa của Myanmar thấp hơn khoảng 5 lần so với Việt Nam.

Mục tiêu của BFC tại thị trường này không chỉ kinh doanh phân bón mà sắp tới đưa vào áp dụng quy trình canh tác, cải thiện hiệu quả sử dụng phân bón. Việc xây dựng nhà máy tại nước sở tại sẽ giúp Công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển khá lớn. Sản lượng tiêu thụ của Công ty dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi nhà máy này đi vào hoạt động. Dự kiến, BFC sẽ triển khai dự án này vào năm 2017.

Với thị trường Thái Lan, HĐQT BFC nhận định công nghiệp phân bón NPK của Thái Lan khá phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hầu như chỉ sản xuất ra những sản phẩm chung áp dụng cho nhiều loại cây nên chưa giải quyết được những nhu thiết thực nhất cho nông dân.

Vì vậy, tại thị trường này, HĐQT xác định sẽ đưa ra sản phẩm áp dụng cho từng loại cây. Hiện tại, việc đầu tư tại thị trường này gặp một số trục trặc do đăng ký thương hiệu tại Thái Lan hiện tại khác so với đăng ký trước đó nên BFC phải hoàn thành thủ tục pháp lý, sau đó mới có thể đưa sản phẩm vào thị trường.

Về thị trường trong nước, Công ty dự kiến nâng công suất khai thác cảng tại nhà máy Long An từ 1.000 tấn lên 3.000 tấn vào tháng 6 năm nay, nhằm chủ động phục vụ công tác xuất nhập hàng hóa bằng đường sông. Với việc xây dựng cảng này, BFC sẽ tiết kiệm chi phí thuê tàu bên ngoài bình quân 500-600 triệu/tháng, qua đó giảm giá thành tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của công ty.

Cũng tại Đại hội, HĐQT BFC đã thông qua phương án phát hành 9,5 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ 10:5 cho cổ đông hiện hữu, nâng tổng vốn điều lệ cùa BFC lên 570 tỷ đồng. Dự kiến thực hiện trong năm nay.

Tin bài liên quan