Ông Ngô Phương Chí không còn là Chủ tịch HĐQT của IBSC

Ông Ngô Phương Chí không còn là Chủ tịch HĐQT của IBSC

(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên năm 2016 diễn ra chiều nay (25/4) của CTCK IB- IBSC (mã VIX trên HNX), đã bầu HĐQT mới gồm 5 thành viên, trong đó không có ông Ngô Phương Chí, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ cũ.

Chia sẻ với cổ đông về lý do rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của IBSC, ông Chí cho biết, ngoài lý do cá nhân, sau 2 năm gắn bó và góp phần hỗ trợ IBSC phát triển ổn định, nay Công ty đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Điều này đặt ra cho các thành viên HĐQT mới phải có những kỹ năng xử lý công việc và khát vọng mới, nhiệt huyết cao hơn. Xét bối cảnh như vậy, nên ông xin rút khỏi HĐQT nhiệm kỳ mới.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, quý I/2016, IBSC chiếm thị phần môi giới lớn nhất trên UPCoM, liệu có duy trì được trong thời gian tới, bà Cao Thị Hồng, Tổng giám đốc IBSC, cho biết, Công ty đang tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước để tăng thị phần môi giới, cũng như hiệu quả đầu tư. Với những kết quả tích cực đạt được, IBSC sẽ nỗ lực duy trì thị phần môi giới cao trên UPCoM, cũng như trên HOSE và HNX.

Là người đang nắm giữ 1 triệu cổ phiếu VIX, cổ đông Lê Văn Thắng đặt câu hỏi, IBSC có kế hoạch bán 45 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược, vậy đến nay đã nhắm tới đối tác nào chưa, bà Hồng cho hay, đang có một số đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi ĐHCĐ thông qua kế hoạch, ban điều hành sẽ tiếp xúc, thương thảo với các NĐT tiềm năng.

Giải đáp câu hỏi của cổ đông về IBSC chuẩn bị gì cho tham gia TTCK phái sinh, bà Hồng cho biết, để đủ điều kiện tham gia TTCK, CTCK phải có vốn 600 tỷ đồng, còn để trở thành viên bù trừ trực tiếp là 900 tỷ đồng, để được là thành viên bù trừ chung phải có vốn 1.200 tỷ đồng. HĐQT và ban điều hành của Công ty xác định tham gia TTCK phái sinh là cơ hội và thách thức, nhưng để hiện thực hóa chiến lược đến năm 2020, IBSC lọt vào top 10 CTCK hàng đầu thị trường, Công ty chắc chắn sẽ phải tham gia TTCK phái sinh ở yêu cầu cao nhất, nghĩa là trở thành thành viên bù trừ chung.

“IBSC đang chuẩn bị tham gia TTCK phái sinh trên 3 khía cạnh. Về vốn, trong năm 2016, IBSC sẽ tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng. Về cơ sở vật chất, IBSC đang triển khai giai đoạn cuối của hệ thống phần mềm. Chuẩn bị về nhân sự là nhiệm vụ trọng yếu và IBSC đang triển khai khẩn trương”, bà Hồng nói.

ĐHCĐ của IBSC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với 255,4 tỷ đồng doanh thu, 107,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (hợp nhất), lần lượt tăng 54% và 46% so với thực hiện năm 2015.

Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức năm 2015 với 10%, trong đó 5% bằng tiền, 5% bằng cổ phiếu, dự kiến trả vào quý II/2016.

Ngoài thông qua hủy phương án tăng vốn cũ năm 2015 (chào bán riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu), ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án tăng vốn mới năm 2016 theo hai đợt.

Đợt 1 phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 20:1 (tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 5%).

Đợt 2, chào bán riêng lẻ 45 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược (dự kiến thực hiện vào quý III/2016).

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của IBSC sau khi tăng dự kiến là 1.151 tỷ đồng, giúp Công ty đáp ứng các điều kiện kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh; bổ sung nguồn lực, mở rộng các hoạt động nghiệp vụ phục vụ hoạt động kinh doanh của Công ty.

ĐHCĐ của IBSC đã bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2016-2021 những gương mặt mới nhằm đáp ứng chiến lược phát triển mới của Công ty.

Theo đó, HĐQT mới của IBSC, ngoài 3 nhân sự của nhiệm kỳ trước là ông Nguyễn Văn Tuấn, bà Cao Thị Hồng và ông Lê Khả Tuyên, xuất hiện 2 gương mặt mới là ông Nguyễn Văn Hạnh, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ IB; bà Trương Thị Hoàng Lan, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Tin bài liên quan