Ông Đỗ Quang Hiển: SHB sẽ cố gắng đảm bảo cổ tức ít nhất là 7,5%

Ông Đỗ Quang Hiển: SHB sẽ cố gắng đảm bảo cổ tức ít nhất là 7,5%

(ĐTCK) Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ 23, thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7%. Đại hội cũng thông qua việc phát hành trên 162 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ trên 8.865 tỷ đồng, lên trên 10.486 tỷ đồng nhằm thực hiện giao dịch nhận sáp nhập CTCP Tài chính Viettel - Vinaconex (VVF) và chi trả cổ tức 2014. Trong đó, phát hành hơn 62 triệu cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2014, tỷ lệ 7% và phát hành 100 triệu cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ cổ phiếu của VVF. Đại hội cũng đã thông qua các nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát; bổ sung ngành nghề kinh doanh; sửa đổi, bổ sung điều lệ Ngân hàng.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, năm 2014, kinh tế vĩ mô đã dần ổn định, lạm phát đã được kiểm soát, nợ xấu đã được xử lý tích cực và hiệu quả, tính thanh khoản và năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng đã được nâng lên rõ rệt. SHB đã nhận ra những cơ hội để từ đó đưa ra các định hướng chính sách phù hợp phát huy các tiềm năng, thế mạnh của SHB, khai thác tối đa nguồn vốn đang có số dư lớn.

SHB đã khẳng định vị thế, uy tín, tiềm lực của mình khi tài trợ vốn cho các lĩnh vực có lợi thế phát triển của nền kinh tế như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, hạ tầng, dầu khí, năng lượng. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được tài trợ cho các dự án trọng điểm quốc gia BOT và BT.

Năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 1.012 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 169.035 tỷ đồng, tăng 17,7%; huy động từ thị trường I tăng 17,8%, đạt 127.353 tỷ đồng, đảm bảo thanh khoản tốt cho toàn hàng; dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 104.095 tỷ đồng, tăng 36,1% so với năm 2013. Kết thúc năm 2014, SHB lọt vào Top 5 các ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam (trừ các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối).

Năm 2015, Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản 200.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2014, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân 152.000 tỷ đồng, tăng 19,4%, dự nợ 115.546 tỷ đồng, tăng 11 - 15%, lợi nhuận trước thuế 1.120 tỷ đồng, tăng 10,6%, cổ tức dự kiến 7,5%.

Tại đại hội, cổ đông đặt nhiều câu hỏi cho Ban lãnh đạo liên quan đến xử lý nợ xấu, nhận sáp nhập công ty tài chính, ưu đãi thuế khi nhận sáp nhập HBB.

Về xử lý nợ xấu, theo lãnh đạo SHB, năm 2014, Ngân hàng đã tích cực xử lý, giảm nợ xấu xuống 2,02%. Đây là nỗ lực rất lớn của SHB trong năm qua. Năm 2015, SHB tiếp tục quyết liệt xử lý nợ xấu và coi trọng công tác này không kém việc phát triển kinh doanh, mục tiêu thấp hơn 3%.

Về hiệu quả khi nhận sáp nhập VVF, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT cho biết, VVF là một trong những công ty tài chính có kết quả hoạt động khá lành mạnh, nợ xấu cơ bản đã được xử lý, lợi thế là có Tập đoàn Viettel hỗ trợ. Chiến lược của SHB là sau khi nhận sáp nhập VVF sẽ phát triển công ty này thành công ty tài chính tiêu dùng. Đây là một trong những hoạt động dịch vụ đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho Ngân hàng. Việc nhận sáp nhập công ty này sẽ giúp cho SHB có được thế mạnh từ hệ thống khách hàng của Viettel để đẩy mạnh mảng dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra, tổng tài sản của VVF theo đánh giá thì cao hơn thị giá cổ phiếu VVF hiện nay.  Vì vậy, việc hoán đổi cổ phiếu VVF - SHB theo tỷ lệ 1:1 là hợp lý.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Đề án sáp nhập HBB, SHB đã tích cực làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối tổ chức họp liên ngành để xử lý phương án ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng nhận sáp nhập trong quá trình tái cơ cấu theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Về định hướng hoạt động trong năm 2015, ông Hiển khẳng định, SHB sẽ theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước nhằm điều chỉnh chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp trong từng giai đoạn và mang tính chất lâu dài; đề ra định hướng kinh doanh với các giải pháp linh hoạt đem đến sự phát triển ổn định, bền vững. Trong năm 2015, SHB chú trọng và thúc đẩy các công tác nhằm đưa các hoạt động của SHB dần hướng tới các chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu là kết thúc 31/12/2015, SHB lọt vào Top 3 các ngân hàng thương mại lớn nhất (không kể các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối).

“Đảm bảo lợi ích cổ đông là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động của SHB. Năm 2015, SHB nỗ lực kinh doanh hiệu quả, phát triển an toàn, bền vững đảm bảo chi trả cổ tức với tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 7,5%”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tin bài liên quan