Nội thất Xuân Hòa, “chân ngoài dài hơn chân trong”?

Nội thất Xuân Hòa, “chân ngoài dài hơn chân trong”?

(ĐTCK) Mặc dù được biết đến là một thương hiệu nội thất hàng đầu Việt Nam, nhưng trong nhiều năm, mảng kinh doanh chính không mang lại nhiều lợi nhuận cho CTCP Xuân Hòa Việt Nam (XHC), mà chủ yếu đến từ việc chia cổ tức từ các công ty liên kết.

Chi phí lớn…

Theo bản công bố thông tin từ hồi tháng 5/2015, Xuân Hòa Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Nội thất Xuân Hòa (trước đây là Xí nghiệp Xe đạp Xuân Hòa) - doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội, thành lập từ năm 1980, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ Xí nghiệp xe đạp Xuân Hòa, gần 40 năm qua, doanh nghiệp này đã chuyển đổi mô hình và cả ngành nghề kinh doanh chính sang lĩnh vực sản xuất đồ nội thất và thiết bị văn phòng. Tuy nhiên, do mô hình quản lý nhiều hạn chế đã khiến cho tên tuổi này dần lu mờ trước các đối thủ cùng ngành.

Dù doanh thu vẫn có sự tăng trưởng đều qua các năm, nhưng lợi nhuận thu về từ ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thiết bị văn phòng, nội thất gần như không bù nổi chi phí quản lý và chi phí bán hàng.

Ghi nhận từ giai đoạn 2011 đến cuối 2014 (trước thời điểm cổ phần hóa), doanh thu Xuân Hòa Việt Nam ghi nhận tăng trưởng từ mức 317,6 tỷ đồng năm 2011 lên 322,72 tỷ đồng năm 2012, lên 350,2 tỷ đồng năm 2013 và lên hơn 383,8 tỷ đồng năm 2014. Tuy nhiên, tổng chi phí (bao gồm giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) cũng tăng tương ứng là 321,76 tỷ đồng năm 2012 lên 350,8 tỷ đồng năm 2013 và 386,53 tỷ đồng năm 2014.

Tính riêng giai đoạn 1/7/2014 - 1/11/2015 và giai đoạn 2/11/2015 - 31/12/2015 (giai đoạn Xuân Hòa tiến hành chuyển đổi từ mô hình Công ty TNHH một thành viên Nội thất Xuân Hòa sang CTCP Xuân Hòa Việt Nam), tình hình cũng không khá hơn khi Công ty ghi nhận 592 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, tương đương gần 500 tỷ đồng, cộng với các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng chiếm, tổng chi phí của doanh nghiệp bằng gần 90% doanh thu.

Năm 2016, Công ty ghi nhận hơn 370 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lãi gộp với biên lãi gộp được cải thiện lên 22,6%. Tuy nhiên, phần lợi nhuận gộp gần như chỉ bù đắp được chi phí bán hàng (27,4 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (43,3 tỷ đồng).

Tính đến cuối quý III/2017, Xuân Hòa ghi nhận hơn 282,1 tỷ đồng doanh thu và gần 57,2 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt ở mức 20,2 tỷ đồng và 23,4 tỷ đồng. Mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2017 chưa được chính thức công bố, nhưng dự kiến cuối năm nay, 2 khoản mục chi phí quản lý và chi phí bán hàng sẽ còn tăng mạnh do từ giai đoạn tháng 7 - 11/2017, Xuân Hòa tiến hành mở rộng kênh phân phối với 20 showroom mới ở các thành phố lớn.

Các showroom này với diện tích thuê từ 100 – 500 m2 trưng bày sẽ tốn thêm khoản chi phí đầu tư lớn nữa của Xuân Hòa do việc phải thiết kế hiện đại, bắt mắt nếu muốn thúc đẩy việc nhận diện thương hiệu, trong bối cảnh nội thất Xuân Hòa đang bị tụt lại phía sau so với những doanh nghiệp cạnh tranh đầu ngành như Hòa Phát.

Chưa kể, thời gian vừa qua, việc thay đổi một số điểm trong chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, một số chính sách quản lý của nhà nước, muốn cạnh tranh tốt, Xuân Hòa chắc chắn phải gia tăng chi phí đào tạo cho cán bộ nhân viên cùng với giá cả biến động ở một số nguyên liệu đầu vào như cao su, giá dầu và chi phí vận tải phục vụ sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp của công ty. Điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận gộp về kinh doanh bán hàng và cung cấp dịch vụ của Xuân Hòa.

…Nhưng vẫn có lợi nhuận khủng nhờ cổ tức công ty liên kết

Câu chuyện của Xuân Hòa thực tế cũng giống với nhiều tổng công ty có vốn nhà nước khác như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Satra, Saigon Tourist hay Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (TTIPC)... Hoạt động không nổi trội, nhưng trong nhiều năm, lợi nhuận của Xuân Hòa vẫn ở mức khá trong ngành nhờ vào việc hưởng cổ tức ở các công ty góp vốn.

Cụ thể, từ năm 1996, được phép của UBND TP. Hà Nội, Công ty đã tham gia cùng 2 đơn vị Nhật Bản góp vốn thành lập Công ty liên doanh TAKANICHI - VIETNAM, nay đổi thành Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội. Theo đó, doanh nghiệp nội thất này góp gần 590.000 USD, tương đương hơn 9,4 tỷ đồng (thông qua quyền sử dụng đất) trong liên doanh, tương ứng với tỷ lệ 30%.

Nhờ đơn vị liên kết này, trong nhiều năm liền, Xuân Hòa có được khoản chia cổ tức thuộc hàng khủng, đóng góp chính cho lợi nhuận vượt trội, gấp hàng chục lần so với lợi nhuận từ ngành nghề kinh doanh chính mang lại.

Không ghi nhận cụ thể trong bản công bố thông tin, nhưng Xuân Hòa cũng nêu rõ, trong các năm 2011 đến năm 2014, lợi nhuận của Công ty hình thành chủ yếu từ nguồn doanh thu tài chính với cụ thể là nguồn thu từ lợi nhuận sau thuế được liên doanh Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội chia.

Cũng vì thế, năm 2012 liên doanh không chia lợi nhuận nên đã làm kết quả kinh doanh của Xuân Hòa sụt giảm mạnh, dù đã thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, tiết kiệm chi tiêu để tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Chung cư Cầu Diễn Complex - hướng mở sang địa ốc của Xuân Hòa 

Năm 2016, Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội ghi nhận 2.370 tỷ đồng doanh thu và 252 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết quả ổn định nhờ nằm trong chuỗi công nghiệp phụ trợ của Toyota. Phần lợi nhuận dành cho chi trả cổ tức xấp xỉ 180 tỷ đồng. Với 30% sở hữu tại liên doanh này, Xuân Hòa thu về khoảng 53 tỷ đồng cổ tức trong năm 2016, cao hơn hẳn các năm trước và chiếm tới 79% tổng lợi nhuận trước thuế của Công ty.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, phần doanh thu hoạt động tài chính từ việc chia lợi nhuận từ Toyota Boshoku tiếp tục mang lại tới 54,6 tỷ đồng, chiếm tới hơn 80% tổng số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mà Xuân Hòa đạt được.

Câu hỏi cho tương lai?

Như đã phân tích, mặc dù đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần, nhưng dường như khó khăn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh chính của Xuân Hòa vẫn chưa hết khi phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, kể từ năm 2018, Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ các cam kết về thuế quan khi gia nhập WTO, khiến cho áp lực cạnh tranh giữa trang thiết bị nội thất trong nước và hàng nhập khẩu trở nên gay gắt hơn.

Là thương hiệu nội thất lớn, nhưng theo các thành viên thị trường, trong nhiều năm trời, mô hình doanh nghiệp nhà nước đã hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của Xuân Hòa, khiến doanh nghiệp này không tận dụng được lợi thế về mặt thương hiệu, đồng thời kém cả năng lực cạnh tranh với các đối thủ nội, chứ chưa tính đến các đối thủ nhập ngoại về cả mẫu mã lẫn chất lượng.

Chưa kể, tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng khi hàng ngoại nhập giảm giá thành càng đẩy khó khăn về phía Xuân Hòa, dù doanh nghiệp này đang tích cực mở rộng nhận diện thương hiệu với chuỗi 20 showroom mới mở ở các tỉnh,  thành phố lớn.

Trong khi đó, liên quan đến "con gà đẻ trứng vàng" là Toyota Boshoku Hà Nội với đặc thù là sản xuất khung ghế ô tô, nhưng việc Việt Nam thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo WTO cũng khiến áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập lớn hơn khi sản phẩm từ các nước lân cận có giá rẻ hơn. Điều này khiến hoạt động kinh doanh của liên doanh này có thể sẽ không còn được như thời gian trước.

Có vẻ như nhận thấy việc phụ thuộc vào Toyota Boshoku trong tương lai sẽ có nhiều biến động từ thị trường, nên từ năm 2011, Xuân Hòa đã cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ba Đình 1, 2, 3 thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang để thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở để bán tại số 27 đường Đông Lạnh, thị trấn Cầu Diễn - Hà Nội” nằm trên chính vị trí đất nhà xưởng rộng 24.000 m2 của Xuân Hòa trước đây.

Theo Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0104128702 thay đổi lần thứ 02 ngày 20/07/2011, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang là 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bản công bố thông tin, tính tới thời điểm trước khi cổ phần hóa, vốn thực góp của Công ty TNHH MTV Xuân Hoà là 16,5 tỷ đồng chiếm 30% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu thực góp đến thời điểm 30/6/2014 là 11 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH MTV Xuân Hoà góp 3,3 tỷ đồng (tương ứng 30% vốn điều lệ đã góp).

Với tổng mức đầu tư Dự án lên tới hơn 1.480 tỷ đồng, diện tích đất của Xuân Hòa sẽ được chia làm 2 khu để xây dựng tổ hợp thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và nhà ở thấp tầng phục vụ tái định cư. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Nhuệ Giang được giao quản lý và thực hiện Dự án kể từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Hồi tháng 10/2016, dự án cũng đã được ngân hàng đồng ý cấp 490 tỷ đồng cho việc thực hiện dự án, với khoản tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án "Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán" tại số 27, đường Đông Lạnh, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội (nay là phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan