Những câu hỏi cần giải đáp từ Yeah1

Những câu hỏi cần giải đáp từ Yeah1

(ĐTCK) Sau cú trượt sàn kéo dài 5 phiên liên tiếp trong chuỗi 7 phiên giảm điểm, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã tăng trần trở lại trong phiên mở đầu tuần mới, với khối lượng giao dịch cả bên mua và bên bán đều rất khiêm tốn. Sự ngần ngại của nhà đầu tư còn rất lớn, vì vẫn cần lời giải đáp thấu đáo của Yeah1 về một số vấn đề.

Nỗi nghi ngại bao phủ

YEG có lẽ là mã chứng khoán hiếm hoi mà suốt gần 1 tháng kể từ khi chuẩn bị niêm yết, thị trường đón nhận thông tin bằng thái độ nghi ngờ. Trên các diễn đàn chứng khoán (bao gồm cả trang diễn đàn và các nhóm facebook lĩnh vực chứng khoán), từ khóa YEG hoặc Yeah1 không xuất hiện nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện, lại đi kèm với những dấu hỏi về đích của giá cổ phiếu, cũng như những vấn đề liên quan.

Điều đầu tiên khiến người ta nghi ngại là mức giá chào sàn lên tới 250.000 đồng/cổ phiếu và thương vụ giao dịch thỏa thuận 7,82 triệu cổ phiếu YEG sau ngày niêm yết.

Yeah1 quá mới lạ với công chúng đầu tư, cả ở tên Công ty (dù kênh Yeah1 không phải mới) lẫn mô hình kinh doanh, nên ngay cả khi cổ phiếu này có thực sự xứng đáng với mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu, thì những nghi ngờ cũng là dễ hiểu.

Sự nghi ngờ là bởi những thương hiệu đình đám nhất thị trường chứng khoán như Vinamilk, Sabeco… lại có mức giá thuộc nhóm… “đàn em” nếu so sánh với Yeah1 - doanh nghiệp quy mô vốn hóa nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt.

Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng, vì phụ thuộc vào quy mô vốn, khả năng tăng trưởng, yếu tố đặc thù ngành, nhưng nhìn mặt bằng chung thị trường chứng khoán, Yeah1 là một câu chuyện khá khập khiễng.

Không ít bình luận trên các diễn đàn cho rằng, họ chờ đợi diễn biến tiếp theo trong “game” giá cổ phiếu YEG. Phiên tăng trần ngày 9/7/2018 là một bất ngờ cho thị trường, dù giao dịch ở mức rất èo uột.

Cần những lời giải đáp từ Yeah1

Ngoài câu chuyện thị giá cao nhất thị trường ngày chào sàn, với các chỉ số P/E, P/B thuộc nhóm… không có đối thủ, Yeah1 còn khiến sự hoài nghi của thị trường trở nên lớn hơn, bởi những điều khó lòng giải thích.

Trước hết là câu chuyện giao dịch lòng vòng của cổ đông nội bộ trước khi bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài; vì sao không thể bán trực tiếp, hoặc bán ra từ quỹ thuộc VinaCapital…? Cùng với đó, chuyện VinaCapital thoái gần hết vốn tại Yeah1 khiến thị trường băn khoăn, dù phía đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã lên tiếng giải thích.

Câu chuyện thứ hai là những nghi vấn xung quanh việc Yeah1 tăng vốn mạnh trong quá khứ và cách sử dụng vốn. Theo đó, quá trình kinh doanh của Yeah1 giống như một mặt hồ, lăn tăn gợn sóng nhỏ rồi bất chợt bùng lên dữ dội ngay thời điểm trước khi chào sàn. Điều này khiến người ta tự hỏi, con sóng tăng trưởng bất thường là lẽ tự nhiên; hay có bàn tay nào đang khuấy động mạnh mẽ?

Yeah1 tăng vốn, nhưng việc tăng vốn này lại phục vụ cho M&A, với những khoản lợi thế thương mại (tức giá mua lớn hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp) quá lớn; dù là so sánh tương quan giá trị với doanh nghiệp được mua, hay doanh nghiệp đi mua.

Những nghi ngờ này càng trở nên rõ ràng hơn, khi trong phương án tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Công ty thậm chí còn dự định dùng tiền để mua một doanh nghiệp với giá 117,6 tỷ đồng; trong khi công ty này ở thời điểm đó chưa thành lập và chỉ có vốn 10 tỷ đồng. Yeah1 cũng lên kế hoạch mua một doanh nghiệp vốn 1 tỷ đồng, giá mua hơn 60 tỷ đồng…

Những kế hoạch sử dụng vốn là nguyên nhân khiến nhiều thành viên thị trường nghi ngờ về dòng vốn thực sự của thương vụ 7,82 triệu cổ phiếu đã giao dịch trước đó (là lý do ông Tống bán đi và mua lại phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phiếu YEG giá 300.000 đồng/cổ phiếu). Trước những thông tin này, Yeah1 và Công ty tư vấn là HSC vẫn im lặng. Và thị trường thì dậy sóng.

Một nhà đầu tư đã viết: “Cần cơ quan quản lý và cơ quan công an vào cuộc, để xem xét lại toàn bộ câu chuyện của Yeah1; xem doanh nghiệp có chân thực về sức khỏe tài chính hay không? Liệu doanh nghiệp có tạo ra các thương vụ mang tính dẫn dụ thị trường?”.

Ông Nguyễn Minh Hải, một nhà đầu tư tại TP.HCM chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán: “Yeah1 vẫn chưa gây thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư và chắc là sẽ khó, vì nhà đầu tư cảnh giác hơn. Nhưng đưa một công ty có thị giá cổ phiếu quá cao lên sàn để sau đó giảm giá dần, thì tác động lên chỉ số và niềm tin thị trường là không tránh khỏi.

Do đó, cần làm rõ ràng trường hợp này; để tránh những nguy cơ thổi giá khi lên sàn của doanh nghiệp; giữ niềm tin nhà đầu tư với thị trường chứng khoán, vì thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin”.

Yeah1 và nhà tư vấn cho Yeah1 đang ở đâu trước câu hỏi của thị trường?

Tin bài liên quan