Nhựa Đông Á vào cuộc "phiêu lưu" Nam tiến bắt buộc

Việc đưa Nhà máy Profile uPVC lớn nhất Việt Nam vào vận hành đã nâng Nhựa Đông Á lên đẳng cấp mới, nhưng điều này cũng song hành với áp lực mới trong việc khai thác tối đa năng lực sản xuất.     

Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG, sàn HOSE) vừa tạo điểm nhấn bởi việc đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất thanh profile uPVC với quy mô lớn và hiện đại nhất trong ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, nhà máy đã được mở rộng thêm 30 dây chuyền sản xuất profile, với công suất gấp 3 lần so với nhà máy đang hoạt động trước đó. Công suất nhà máy mới đạt 40.000 tấn sản phẩm/năm so với 12.000 tấn sản phẩm/năm trước đó. Nhà máy này được đầu tư công nghệ tự động của Áo (hãng TheySohn, CiCynati và khuôn đồng bộ Greiner).

Nhựa Đông Á kỳ vọng, sau khi Nhà máy sản xuất thanh profile uPVC vận hành, Công ty có thể vươn lên vị trí số 1 về sản xuất profile và gia tăng sức mạnh để có thể đánh bạt hàng Trung Quốc giá rẻ.

Với con bài mới là Nhà máy sản xuất thanh profile uPVC, kỳ vọng của Nhựa Đông Á trong giai đoạn tới là không nhỏ. Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Đông Á cho biết, trong vài năm tới, Công ty có thể cán mốc doanh thu 3.000 tỷ đồng.

Các sản phẩm nòng cốt của Công ty là thanh profile, cửa smart window, tấm mica và tấm PP công nghiệp...

Nhựa Đông Á vào cuộc "phiêu lưu" Nam tiến bắt buộc ảnh 1

Trong khi đó, công ty này vẫn tiếp tục tìm kiếm đối tác chiến lược để gia tăng sức mạnh từ các nhà đầu tư ngoại. Một trong những nhà đầu tư từng đặt vấn đề tìm hiểu Nhựa Đông Á là RISA Partners Inc (Nhật Bản), khi đã tiến hành khảo sát và không che giấu mục đích trở thành cổ đông chiến lược. Đây là một tổ chức đầu tư của Nhật Bản, tập trung vào tài chính và bất động sản.

Một số đối tác Nhật Bản khác cũng tỏ ra quan tâm là Quỹ đầu tư DBJ và Sankyo Tateyama - một tập đoàn lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Dự kiến, Tập đoàn Sankyo Tateyama sẽ triển khai các bước hợp tác chiến lược và hỗ trợ Nhựa Đông Á trong phát triển sản phẩm và đưa công nghệ mới từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Nhựa Đông Á cũng đã từng làm việc với nhiều quỹ đầu tư nước ngoài gồm Dragon Capital, Vietnam Holding, Vietfund Management, Korea Investment, Thien Viet Asset Management…

Những yếu tố trên cho thấy, chân trời phía trước đang rộng mở đối với đại gia ngành nhựa này. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo của Nhựa Đông Á sẽ là cuộc đối đầu khốc liệt trong đường đua giành thị phần với các đối thủ cả trong và ngoài nước.

Thách thức lớn nhất mà Nhựa Đông Á phải đối mặt là công cuộc Nam tiến và doanh nghiệp này chắc chắn sẽ còn phải đau đầu trong bài toán phân tích thị hiếu của thị trường miền Nam.

Hiện nay, sản phẩm Nhựa Đông Á đang chiếm khoảng 20% thị phần toàn thị trường, cạnh tranh với 35% hàng sản xuất trong nước và 45% hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi năng lực sản xuất tăng lên, với việc tung ra con át chủ bài là Nhà máy sản xuất thanh profile uPVC thì đại gia này cần phải mở rộng thị phần quyết liệt hơn nữa để phát huy tối đa năng lực sản xuất của Nhà máy.

Theo các nhà quan sát, trong giai đoạn tới, mức thị phần tối ưu mà Nhựa Đông Á phải giành về mình sẽ phải ở mức từ 35 - 40% thị phần miền Bắc và tiến tới 20% thị trường miền Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất mà Nhựa Đông Á phải đối mặt là công cuộc Nam tiến và doanh nghiệp này chắc chắn sẽ còn phải đau đầu trong bài toán phân tích thị hiếu của thị trường miền Nam.

Được biết, Nhựa Đông Á vẫn đang thăm dò và thận trọng trong chính sách Nam tiến, khi dự kiến vẫn dành tới 60-70% sản phẩm phục vụ thị trường miền Bắc, còn lại chỉ 30% phục vụ miền Nam.

Hiện nay, Nhựa Đông Á tỏ ra có lợi thế khá rõ ràng khi tập trung sản xuất các sản phẩm khá chuyên sâu, không đầu tư ngoài lĩnh vực then chốt - một yếu tố được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, giới đầu tư cũng vẫn lo lắng ít nhiều khi sức tiêu thụ hầu hết các sản phẩm của Nhựa Đông Á bị lệ thuộc khá nhiều vào sự nóng lạnh của thị trường bất động sản.

Tin bài liên quan