Năm 2017, PME đạt lãi trước thuế 359 tỷ đồng, chỉ đứng sau DHG

(ĐTCK) CTCP Pymepharco (PME) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 với doanh thu thuần đạt 423,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% so với cùng kỳ, do giá vốn hàng bán tăng ít hơn nên lợi nhuận gộp tăng 6,6%, đạt 207 tỷ đồng. 
Năm 2017, PME đạt lãi trước thuế 359 tỷ đồng, chỉ đứng sau DHG

Trong kỳ, PME ghi nhận doanh 18 tỷ đồng doanh thu tài chính. Kết quả, PME lãi trước thuế 89,6 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 71 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với quý 4 năm 2016.

Tính đến cuối năm, PME có khoảng 635 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng với lãi suất được hưởng từ 5,6% đên 6,8% mỗi năm. Nợ phải trả chủ yếu là nợ ngắn hạn 304 tỷ đồng, nợ dài hạn chỉ 42 tỷ đồng. Công ty không có vay nợ.

Cả năm 2017, Công ty đạt 1.622 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,56%, lợi nhuận gộp 780 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp hơn 48%. Lãi trước thuế 359 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập hơn 286 tỷ đồng, tăng 19,7%.

Với kết quả kinh doanh trên, Pymepharco chỉ xếp sau Dược Hậu Giang (DHG) trên sàn HOSE nếu tính theo chỉ tiêu lợi nhuận. EPS năm 2017 là 4.386 đồng.

PME là cổ phiếu mới niêm yết trên HOSE vào 8/11/2017 với giá tham chiếu 68.000 đồng/CP. Cổ phiếu PME nhanh chóng tăng trần phiên đầu tiên và sau đó tích lũy ở vùng giá 8x.

Trong tháng 1/2018, PME có xu hướng tăng tích cực, thậm chí đạt mức cao nhất 88.400 đồng/cp vào ngày 3/1. Hiện đang tạm ở mức 83.000 đồng/cp, tương ứng PE khoảng 19 lần.

Năm 2017, PME đạt lãi trước thuế 359 tỷ đồng, chỉ đứng sau DHG ảnh 1

  Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các doanh nghiệp dược niêm yết.

So với các DN trong ngành PME được đánh giá có lợi thế cạnh tranh từ dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-EU (dây chuyền kháng sinh Cephalosporin dạng viên).

Được biết, PME đã hoàn thành dự án đầu tư tiêu chuẩn GMP-EU đối với dây chuyền Cephalosporin thuốc tiêm, dự kiến nhận giấy chứng nhận trong quý 1 năm 2018. Ngoài ra, PME dự kiến xây dựng, vận hành nhà máy sản xuất thuốc Non-betalactam 1,2 tỷ viên đạt tiêu chuẩn GMP-EU vào năm 2019.

Kỳ vọng biên lợi nhuận của Công ty tăng sau khi nhận thêm các chứng nhận GMP-EU đối với các dây chuyền sản xuất này. Việc đạt tiêu chuẩn chất lược GMP-EU, sản phẩm của PME có đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu sang thị trường châu Âu; gia tăng lợi thế trong việc tham gia đấu thầu thuốc Generic nhóm 1 và 2 nhờ giá bán cạnh tranh hơn so với thuốc ngoại nhập. Điều này sẽ là động lực để duy trì mức doanh thu tích cực ở kênh ETC trong thời gian tới.

Ngoài ra, Pymepharco là công ty tiên phong trong việc tiến hành thử tương đương sinh học cho hàng loạt sản phẩm. Đến nay, công ty đã tiến hành chứng minh tương đương sinh học trên 70 sản phẩm với các dòng thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch…

Trong đó, 46 sản phẩm đã được Bộ Y tế công bố, 14 sản phẩm chờ công bố và 16 sản phẩm đang được tiến hành, trở thành doanh nghiệp dược Việt Nam có số dược chất được công bố nhiều nhất.

Giai đoạn 2018 - 2019, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng kép (CAGR) 15% cho cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, mục tiêu doanh thu năm 2018 là 1.858 tỷ đồng doanh, năm 2019 là 2.137 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận tương ứng là 334 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Cơ sở chính để Pymepharco đề ra kế hoạch kinh doanh trên là sản phẩm thuốc tiêm Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP - EU sẽ giúp tăng sản lượng tiêu thụ và Công ty sẽ đẩy mạnh sản phẩm mới được sản xuất nhượng quyền thương hiệu EG Labo - Pháp.

Vừa qua, ngày 19/1/2018, Pymepharco đã xuất sắc một lúc nhận 2 giải thưởng “Top 10 Công ty Dược Việt Nam Uy tín” và “Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam” năm 2017 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam phối hợp cùng Báo VietNamNet – Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại Khách sạn Grand Plaza Hà Nội.

Top 10 doanh nghiệp Dược uy tín Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được xây dựng dựa trên nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố tài chính, hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông và đánh giá của các chuyên gia tài chính, cụ thể bao gồm: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát chuyên gia trong ngành dược; Khảo sát dược sỹ/hiệu thuốc và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2017 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017…

Tin bài liên quan