Mediplast đầu tư nhà máy mới, cổ đông băn khoăn

(ĐTCK) CTCP Nhựa y tế Việt Nam (Mediplast) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường xin ý kiến cổ đông về Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất các dụng cụ y tế bằng nhựa giai đoạn 1, trong khi dự án đã được đầu tư từ năm 2015.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo tờ trình, Mediplast xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh) để di dời cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty ra khỏi khu dân cư tại Hà Nội, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thêm các sản phẩm mới đa dạng hơn.

Tổng mức đầu tư của dự án là 63,4 tỷ đồng. Diện tích khu đất xây dựng hơn 13.700m2, trong đó diện tích xây dựng công trình là 5.896m2. Sau khi xây dựng, Mediplast sẽ di dời trang thiết bị hiện có tại trụ sở Công ty ở 89 Lương Định Của (quận Đống Đa, Hà Nội) và sản xuất tại cơ sở mới. Nguồn vốn để thực hiện dự án chủ yếu là vốn vay.

Mediplast trình đại hội phê duyệt và giao cho HĐQT chủ động triển khai phương án vay ngân hàng, phát hành trái phiếu với tổng hạn mức 100 tỷ đồng để đầu tư dự án nhà máy ở Bắc Ninh, dự án đầu tư tại 89 Lương Định Của, thực hiện M&A trong ngành nhựa hoặc y tế.

Tuy nhiên, một số cổ đông bày tỏ lo ngại về hiệu quả của dự án nhà máy tại Bắc Ninh. Chẳng hạn, cổ đông Trần Hiển nhiều lần phát biểu, chưa đồng thuận với dự án đầu tư nhà máy, băn khoăn về tính cần thiết của dự án, tính hiệu quả và pháp lý. Ngoài ra, cổ đông này nhấn mạnh, Mediplast là công ty nhựa, nên tập trung vào lĩnh vực nhựa, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Việc thông qua chủ trương M&A có thể làm Mediplast sa đà vào đầu tư tài chính.

Chủ tọa Phạm Quang Huy cho biết, chủ trương M&A hiện chưa có mục tiêu cụ thể nhưng sẽ xem xét các cơ hội và đây không phải đầu tư tài chính mà là đầu tư chiến lược, sẽ chỉ đầu tư trong ngành nhựa y tế. Ông Huy cũng hứa với cổ đông sẽ phát triển Công ty vững mạnh.

Cuối cùng, phương án xây dựng nhà máy mới đã được đại hội thông qua, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng CTCP Thiết bị y tế (Vinamed, sở hữu 69,32%) cũng đồng thuận việc này.

Đại hội cũng thông qua việc thay đổi về nhân sự lãnh đạo, hai cổ đông lớn là ông Lê Quốc Hùng, sở hữu 10,3% và ông Hà Ngọc Hồng, sở hữu 8,5% vốn điều lệ đã thoái hết vốn, không còn là cổ đông của Mediplast (Công ty hiện có vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng).

Cổ đông lớn duy nhất hiện giờ của Công ty là Vinamed. Trước đây, khi chưa cổ phần hóa, Vinamed đại diện Nhà nước nắm giữ hơn 48% vốn điều lệ tại Mediplast và đến ngày 27/9/2016, cổ đông này đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 69,32%.

Với việc tăng tỷ lệ sở hữu, Vinamed đã đề cử 2 ứng viên tham gia HĐQT sau khi 3 thành viên khác có đơn xin từ nhiệm. Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Vinamed kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã tham gia làm thành viên HĐQT Mediplast và được bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Một thành viên HĐQT khác của Vinamed là ông Đỗ Thanh Tùng cũng tham gia làm thành viên HĐQT Mediplast.

Đáng chú ý, Mediplast đang có khu đất khoảng 3.000m2 tại số 89 Lương Định Của, việc sử dụng như thế nào vẫn đang trong quá trình xem xét kể từ nhiều năm trước. Được biết, khu đất này được quy hoạch làm trường học. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Huy, qua nghiên cứu, xem xét, khi tính phương án hợp tác để xây dựng trường học thì tài sản đất đưa vào làm vốn góp được định giá thấp vì thế Mediplast phải góp thêm tiền khoảng 15 tỷ đồng và thời gian thu hồi vốn kéo dài, 10 năm.

Mediplast đang nghiên cứu các phương án khác, chuyển thành nhà ở là khó do vướng quy hoạch. “Quan điểm của tôi là tận dụng cơ sở hiện có và sửa chữa để làm văn phòng hoặc phòng khám. Tòa nhà hiện tại phù hợp với các mục đích này và vị trí địa lý cũng thích hợp”, ông Phạm Quang Huy nói.         

Mediplast hoạt động chính trong lĩnh vực nhựa y tế (sản xuất bơm kim tiêm, dây truyền dịch...). Công ty có trang thiết bị sản xuất hiện đại của Nhật, hàng hóa được xuất khẩu sang nhiều nước và bán cho các tổ chức lớn như UNICEF, WHO...

Trước đó, Mediplast là công ty con của Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed - tiến hành cổ phần hóa tháng 7/2016). Sau khi cổ phần hóa vào cuối năm 2006, Công ty có nhiều thăng trầm liên quan đến bộ máy điều hành, lãnh đạo. Trong 3 năm đầu tiên hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Mediplast hoặc báo lỗ không chia cổ tức, hoặc có lãi và chia cổ tức thấp.

Đến năm 2012, Công ty bầu HĐQT nhiệm kỳ mới và hoạt động của Công ty dần minh bạch hơn, lợi nhuận và cổ tức tăng, năm sau cao hơn năm trước. Lợi nhuận 3 năm gần đây đều lớn hơn vốn điều lệ.

Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 95 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, trả cổ tức 30%.

Tin bài liên quan