Masan vừa tung dòng bia Sư tử trắng cao cấp ra thị trường trong tháng 4

Masan vừa tung dòng bia Sư tử trắng cao cấp ra thị trường trong tháng 4

Masan sẽ hoàn thiện sản phẩm bia, mỳ sợi cao cấp, nước tăng lực...

(ĐTCK) Trong ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Tập đoàn Masan đã chính thức công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 khá lạc quan dù Chủ tịch HĐQT Masan, ông Nguyễn Đăng Quang đã thừa nhận với cổ đông rằng “vẫn còn những khó khăn”.

Theo báo cáo của ông Danny Lê, Giám đốc chiến lược của Masan, doanh thu thuần của Masan Group ổn định ở mức 8.274 tỷ đồng trong quý I/2018 so với quý I/2017 dù khủng hoảng giá heo kéo dài đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Masan Nutri-Science. 

Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty tăng 3,4 lần trong quý I/2018 so với quý I/2017 lên mức 816 tỷ đồng, và biên lợi nhuận thuần tăng lên 9,8% trong quý I/2018 từ mức 2,8% trong quý I/2017 chủ yếu nhờ vào việc vận hành hiệu quả và giảm chi phí tài chính thuần. Ngoài ra, Công ty không có các thu nhập/chi phí phát sinh một lần trong quý I/2018.

Kết quả quý I tích cực là cơ sở đảm bảo cho kết quả cả năm 2018 đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2018, Masan đặt mục tiêu doanh thu ở 2 kịch bản, mức thấp là 45.150 tỷ đồng và mức cao là 47.000 tỷ đồng (tăng 20% so với 2017), tương ứng với đó là lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông là 3.400 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. 

Tăng trưởng đột phá nhờ vào việc chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh từ “bán hàng hoá” sang “xây dựng thương hiệu”. Các sáng kiến chiến lược trong năm 2017 đã mang lại kết quả với tăng trưởng hơn 30% doanh thu và có khả năng đem lại tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nữa trong năm 2018.

Masan Consumer lọt vào top 3 công ty quảng cáo lớn và hiệu quả

Masan Consumer (MCH) vẫn là thành viên chủ lực của Masan, sở hữu nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng như Chinsu, Nam Ngư, mỳ Omachi, Vinacafe,...

Doanh thu thuần của MCH trong quý I/2018 tăng 78,3% lên 3.586 tỷ đồng so với 2.011 tỷ đồng trong quý I/2017 nhờ vào việc chuyển đổi khách hàng sang các sản phẩm cao cấp và tung ra các sản phẩm mới trong ngành gia vị và thực phẩm tiện lợi, và kết hợp với đà tăng trưởng tốt của lĩnh vực đồ uống và thịt chế biến.

Hàng tồn kho được duy trì ở mức tối ưu là 2 đến 3 tuần bán hàng, bằng cuối năm 2017. Ngoài ra, MCH đã giảm bớt các chi phí khuyến mãi và đầu tư trọng tâm vào marketing để xây dựng các thương hiệu mạnh. 

Bằng việc đầu tư trọng tâm vào marketing, MCH hiện trở thành top ba công ty quảng cáo lớn và hiệu quả nhất trong năm 2018.

Trong các ngành hàng của MCH, tăng trưởng ngành hàng gia vị đến từ sự phục hồi của những nhãn hiệu trụ cột và các sản phẩm mới cao cấp được tung ra trong 2017: Doanh thu thuần của ngành hàng gia vị trong quý I/2018 tăng trưởng 104,8% lên 1.565 tỷ đồng từ 764 tỷ đồng trong quý I/2017. 

Những nhãn hiệu trụ cột như Nam Ngư và Chin-su tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, trong đó tăng trưởng sản lượng đóng góp 74%, và phần còn lại đến từ giá bán trung bình của sản phẩm cao hơn. 

Đáng chú ý, theo Masan, người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn, minh chứng bằng tăng trưởng 323% của nước mắm Chin-su so với mức tăng trưởng 78% của nước mắm Nam Ngư. 

Masan sẽ hoàn thiện sản phẩm bia, mỳ sợi cao cấp, nước tăng lực... ảnh 1

 Ông Danny Lê, Giám đốc chiến lược của Masan trình bày về kế hoạch kinh doanh 

Nước tương cũng đang cho thấy xu hướng tương tự, doanh thu từ nhãn hiệu Chin-su (tăng 136%) tăng nhanh hơn Tam Thái Tử (tăng 29%). 

Ngoài ra, sản phẩm nước mắm  cao cấp mới tung trong năm 2017 bao gồm “Nam Ngư Phú Quốc” (tung vào quý II/2017), “Nam Ngư Nhãn Vàng” (tung vào quý IV/2017) và “Chin-su Mặn Mà” (tung vào quý IV/2017) đã giúp cho thị phần nước mắm của Công ty tăng thêm được 1,5% trong quý I/2018 so với quý I/2017 và điều này giúp cho mức đóng góp của các sản phẩm cao cấp trong ngành hàng nước mắm tăng lên từ 4% trong quý I/2017 lên 15% trong quý I/2018. 

“Tất cả các sản phẩm này đang được bán với giá cao hơn 1,5 – 3 lần so với danh mục sản phẩm trung cấp và đây cũng là chiến lược của MCH trong việc tạo ra thị hiếu tiêu dùng trong phân khúc cao cấp. Hàng tồn kho tại hệ thống phân phối trong ngành hàng gia vị là 360 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2018, so với 494 tỷ đồng vào cuối năm 2017 và 763 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2017”, theo báo cáo của Masan tới cổ đông.

Doanh thu bán hàng đến người tiêu dùng trong quý I/2018 tăng 65% cho ngành hàng này, trong đó sản lượng đóng góp đến 50% tăng trưởng. 

Masan ước tính doanh thu cho cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng nhờ vào chuyển đổi các sản phẩm cao cấp và phát kiến mới cho các sản phẩm mới ttrong các ngành hàng chủ chốt.

Sẽ có sản phẩm “mỳ sợi cao cấp”

Trong quý I/2018, ngành hàng thực phẩm tiện lợi của MCH tăng trưởng mạnh đến từ sự phục hồi của các nhãn hiệu trụ cột và phát kiến mới cho giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh: Doanh thu thực phẩm tiện lợi tăng 63,7% lên 976 tỷ đồng trong quý I/2018 so với 596 tỷ đồng trong quý I/2017. 

Tăng trưởng sản lượng là động lực thúc đẩy ngành hàng này, đóng góp 90% tăng trưởng trong quý I/2018 so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu hàng bán đến người tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 52%, trong khi hàng tồn kho tại hệ thống phân phối thấp hơn, ở mức 152 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2018, so với 172 tỷ đồng vào cuối năm 2017 và 218 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2017. 

Mức tăng trưởng trở lại này đến từ doanh thu lớn hơn từ phân khúc sản phẩm cao cấp với tăng trưởng doanh thu bán hàng đến người tiêu dùng của Omachi tăng 89% trong quý I/2018 so với quý I/2017. 

Sản phẩm “Mì ly Omachi với cây thịt thật” tiếp tục đánh dấu chiến lược bổ sung các phát kiến mới nhằm mang đến bữa ăn hoàn chỉnh với mức đóng góp 7-8% vào tổng doanh thu của nhãn hiệu Omachi so với 3% trong quý IV/2017 (quý đầu tiên tung hàng). 

Việc tung sản phẩm mới phục vụ giới trẻ và thâm nhập vào ngành “mì sợi cao cấp” sẽ là những động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng. Masan kỳ vọng doanh thu thực phẩm tiện lợi sẽ đạt khoảng 4.500 tỷ đồng trong cả năm 2018.

Đà tăng trưởng của thịt chế biến đến từ xúc xích “Heo Cao Bồi”

Thịt chế biến là một trong những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất của MCH. Sau giai đoạn tăng trưởng khoảng 6 lần trong năm 2017, doanh thu ngành hàng này được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong năm 2018. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhãn hiệu mẹ “Heo Cao Bồi”, với sản phẩm chủ lực là xúc xích trong năm 2017. 

Vào tháng 12/2017, MCH tung Thịt viên Heo Cao Bồi 3 phút nhằm mở rộng nhãn hiệu mẹ ra các ngành thịt chế biến và giải pháp cho bữa ăn.

Masan dự kiến doanh thu từ thịt chế biến sẽ tăng lên hơn 500 tỷ đồng trong 2018.

Đã thêm nước tăng lực “Compact”

Doanh thu thuần của lĩnh vực đồ uống đạt 514 tỷ đồng quý I/2018, tăng 41,7% so với quý I/2017, chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu 75,7% của nước tăng lực lên 358 tỷ đồng trong quý I/2018 so với 204 tỷ đồng trong quý I/2017. Tăng trưởng của nước tăng lực đến từ việc mở rộng hệ thống phân phối toàn quốc và thương hiệu mạnh Wake-Up 247. 

Doanh thu hàng bán đến người tiêu dùng trong quý I/2018 tăng 32% so với cuối năm 2017, với mức tồn kho được duy trì ở mức 82 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2018 so với 62 tỷ đồng vào cuối năm 2017. 

Nhãn hiệu nước tăng lực mới “Compact” tung vào tháng 4/2018 được Masan kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị phần trong ngành hàng tăng trưởng nhanh này. Masan đặt mục tiêu lĩnh vực đồ uống sẽ đem lại doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng trong 2018.

Đã có bia cao cấp

Bia tăng trưởng trở lại với doanh thu thuần tăng trưởng 564,1% trong quý I/2018, đạt 91 tỷ đồng so với 14 tỷ đồng trong quý I/2017, nhờ vào đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2017 với việc tái tung nhãn hiệu Sư Tử Trắng. 

Việc tung sản phẩm bia cao cấp mới vào cuối tháng 4/2018 và mở rộng hệ thống phân phối sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, và Masan sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng một danh mục sản phẩm bia hoàn thiện tại tất cả các mức giá cho các phân khúc khách hàng khác nhau. 

Doanh thu thuần năm 2018 của ngành bia được Masan kỳ vọng sẽ đạt 1.000-1.200 tỷ đồng.

Giá heo thấp vẫn tạo khó khăn

Một trong những khó khăn lớn nhất của Masan năm 2017 là giá heo thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến một thành viên khác trong Tập đoàn là Masan Nutri-Science (MNS)

Doanh thu thuần của MNS tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá heo giảm sâu kỷ lục, với giá heo khoảng 30.000 đồng/kg trong gần cả năm 2017 và quý I/2018. Tuy nhiên, giá heo đang dần tăng trở lại, và đạt mức 40.000 đồng/kg – mức cao đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng. Masan nhìn nhận mức giá này sẽ được duy trì do sự thiếu hụt nguồn cung heo. Với mức giá này, người nông dân sẽ có được lợi nhuận cao hơn và sẽ bắt đầu đầu tư trở lại. Sản lượng thức ăn cho heo được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nông dân bắt đầu cho heo ăn đầy đủ trở lại và tăng quy mô đàn. 

Masan kỳ vọng dòng sản phẩm cao cấp Bio-zeem “Đỏ” sẽ tăng trưởng thị phần trở lại do nông dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp.

Masan sẽ hoàn thiện sản phẩm bia, mỳ sợi cao cấp, nước tăng lực... ảnh 2

Thị trường thức ăn chăn nuôi đã giảm từ 6,3 triệu tấn trong năm 2016 xuống 3,4 triệu tấn trong năm 2017, làm doanh thu thuần của MNS giảm 40,2% trong quý I/2018 xuống 3.201 tỷ đồng. Ngoài ra, việc giảm thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo còn đến từ việc nông dân chuyển từ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiệu suất cao sang các sản phẩm thức ăn tự làm, trong đó, 0,7 triệu tấn thức ăn là do nông dân tự trộn. 

Bio-zeem “Xanh”, sản phẩm thức ăn chăn nuôi trung cấp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nông dân chuyển từ các sản phẩm thức ăn tự trộn sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiệu suất cao.

Masan cho biết, nếu thị trường thức ăn chăn nuôi cho heo phục hồi, doanh thu thuần của MNS được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ ở mức 19.500 – 19.950 tỷ đồng trong năm 2018 do thị trường thức ăn chăn nuôi cần khoảng 6 tháng (từ heo nái đến heo con) để phục hồi hoàn toàn. 

“Mức này vẫn thấp hơn doanh thu của năm 2016 khoảng 20%. Biên lợi nhuận cũng có thể bị ảnh hưởng do bắt đầu bán dòng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trung cấp Bio-zeem “Xanh”, và đầu tư trọng tâm vào maketting”.

Sắp bán thịt heo lạnh, truy xuất được nguồn gốc

Với việc đưa trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An đi vào hoạt động, và việc khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào tháng 2/2018, MNS đang tiến gần hơn đến mục tiêu bán các sản phẩm thịt có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc đến người tiêu dùng trong quý IV/2018. 

Khi đi vào hoạt động hoàn chỉnh, trang trại tại Nghệ An có thể cung cấp khoảng 250.000 heo thịt/năm trong khi tổ hợp chế biến thịt có thể chế biến khoảng 1,4 triệu con heo/năm. 

Việc bán thịt có thương hiệu là một cột mốc quan trọng, đến từ mục tiêu của Masan Nutri-Science là trở thành nhà cung cấp thịt có thương hiệu nhằm phụng sự nhu cầu lớn chưa được đáp ứng cho các sản phẩm thịt giá hợp lý, an toàn và truy xuất được nguồn gốc. Thông qua mô hình sản xuất thịt tích hợp.

Cũng tại Đại hội, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết 2 thành viên khác của Masan là Masan Resources và Techcombank đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh.

Masan Resources sở hữu mỏ Núi Pháo là mỏ vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, doanh thu quý I/2018 đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với quý I/2017. Còn Techcombank, lợi nhuận trước thuế tăng lên 2.569 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 1.325 tỷ đồng trong quý I/2017. Trong quý I/2018, tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) (không bao gồm các thu nhập một lần) tăng lên 17,9% so với 15,5% trong quý I/2017.

Mở thêm ngành kinh doanh mới

Chia sẻ với cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Là một đất nước mới nổi, Việt Nam có thể là một nơi đầy thách thức và thiếu ổn định để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững. Masan cũng đã nếm trải những trái ngọt cũng như quả đắng của sự biến động theo chu kỳ kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi là công ty Việt Nam và có niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng đất nước mình”.

”Tại Masan, đầu tư và phát triển cùng Việt Nam không chỉ đơn giản là những quyết định kinh doanh đúng đắn mà còn là niềm tự hào dân tộc, và cam kết của chúng tôi với đồng bào mình. Masan muốn tạo nên sản phẩm mà gia đình của chúng tôi có thể tự hào, các hế hệ tương lai có thể tự hào, và sản phẩm gì đó bền lâu và đặc biệt là có thể phát triển cùng đất nước".

Năm 2018, Masan đặt mục tiêu doanh thu ở 2 kịch bản, mức thấp là 45.150 tỷ đồng và mức cao là 47.000 tỷ đồng, tương ứng với đó là Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông là 3.400 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng. 

Tại Đại hội, cổ đông Masan đã thông qua 18 vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc chấp thuận cho ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT của Techcombank) thôi chức Phó Chủ tịch Masan theo nguyện vọng cá nhân, và cũng để đáp ứng yêu cầu đã là chủ tịch ngân hàng thì thôi các chức trong HĐQT công ty khác. Đồng thời, Masan chưa chia cổ tức 2017, nhưng sẽ phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP)...

Trong chiến lược phát triển 5 năm tới, Masan sẽ xem xét mở rộng thêm một số ngành có nhu cầu lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, và lĩnh vực hoá mỹ phẩm đang trong danh mục này.

Tin bài liên quan