LCG có thoát lỗ?

LCG có thoát lỗ?

(ĐTCK) Từng có thời gian là cổ phiếu nóng trên HOSE với thị giá đạt trên 80.000 đồng/CP, tình hình kinh doanh bết bát khiến CTCP Licogi 16 (LCG) rớt giá và hiện chỉ đạt 7.800 đồng/CP. Liệu quyết định bán một loạt dự án đình đám có giúp DN này thoát lỗ trong năm 2014?

Tích cực

Năm 2013, LCG có doanh thu vỏn vẹn 284,9 tỷ đồng, lỗ tới 306 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu thấp và kết quả kinh doanh lỗ chủ yếu do các công trình trọng điểm DN đã hoàn thành trong năm 2012, gói thầu lớn trong năm 2013 là dự án Formosa đến tháng 6 mới chính thức được giao thi công và chưa đóng góp doanh thu.  Lĩnh vực bất động sản với quỹ đất tới 200 héc-ta nhưng đều chậm tiến độ triển khai không có đóng góp doanh thu trong năm. Đặc biệt, khoản lỗ khủng do DN ghi nhận lỗ từ công ty liên kết (Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông), lỗ dự phòng phải thu khó đòi và ghi nhận khoản truy thu thuế và lãi phạt chậm nộp (hơn 82 tỷ đồng).

Trước tình hình kinh doanh bết bát, năm 2014, LCG thực thi một loạt biện pháp để thoát lỗ với mục tiêu doanh thu  1.362 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,4 tỷ đồng. Theo ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LCG, kế hoạch trên được tính toán rất kỹ, cụ thể, trong cơ cấu doanh thu, dự án Formosa dự kiến đóng góp 705,8 tỷ đồng, dự án xây lắp 473,9 tỷ đồng, BĐS 147,9 tỷ đồng, dự án quốc lộ 1A là 32 tỷ đồng. Với dự án tốn kém nhất của LCG là Công ty sản xuất nhiên liệu sinh học, LCG kỳ vọng tới đây sẽ được hoàn nhập dự phòng bởi từ ngày 1/12/2014, theo quy định của Chính phủ, 7 tỉnh thành đầu tiên trên cả nước bắt buộc phải sử dụng xăng sinh học E5 (xăng pha 5% cồn ethanol với xăng không chì truyền thống). Hiện Công ty nhiên liệu sinh học Phương Đông đang chuẩn bị và lên kế hoạch để sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường theo đúng kế hoạch.

Ông Hùng cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, LCG dự kiến doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 22 tỷ đồng. Câu hỏi nhà đầu tư quan tâm hiện nay là hoạt động của DN khởi sắc bền vững hay chỉ mang tính nhất thời, mảng bất động sản với quỹ đất tiềm năng có đóng góp như thế nào tới kết quả chung của DN?

Trên thực tế, LCG có quỹ đất lớn nhưng các dự án đều đang triển khai dở dang. Đơn cử, Khu dân cư Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM có tổng đầu tư 650 tỷ đồng, DN đã đầu tư 280 tỷ đồng, hiện còn đang đền bù giai đoạn cuối (còn 2,1 ha).

Khu chung cư Nam An có tổng diện tích 7.080 m2 tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM tổng đầu tư 420 tỷ đồng, mới đầu tư 66 tỷ đồng, hiện mới có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất của UBND TP. HCM; Khu dân cư Điền Phước Nhơn Trạch, Đồng Nai có diện tích 94 héc-ta với tổng đầu tư 1.633 tỷ đồng, DN đã đầu tư 72 tỷ đồng, hiện mới đền bù được 14% diện tích.

Nhưng còn nhiều nỗi lo

Theo BCTC của DN, LCG hiện có quỹ đất với quy mô gần 300 héc-ta tại các vị trí chiến lược trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và TP. HCM, với giá trị sổ sách vào khoảng 1.010 tỷ đồng. Tuy nhiên, như đã đề cập, các dự án này đều đang triển khai dở dang, cần lượng vốn lớn để DN tiếp tục đầu tư mới hy vọng sản phẩm bất động sản đủ điều kiện bán hàng.

Để gọi vốn cho các dự án, LCG hiện đang thực hiện các thủ tục để phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Nếu không có kế hoạch đầu tư khả thi, sử dụng vốn hiệu quả, DN sẽ không dễ thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn vào Công ty.

Để đỡ gánh nặng tài chính, một trong những giải pháp đã được công ty này thực hiện là chuyển nhượng dự án. Khu đất vàng với diện tích 9,2 héc-ta tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) mới đây đã được DN chuyển nhượng cho TCT Xây dựng Thanh Hóa. Theo ông Hùng, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án này sẽ được hạch toán trong năm 2014. Tương tự, Khu dân cư Nam An, LCG cũng đang có phương án chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư nhằm thu tiền luôn.

Quỹ đất sạch lớn với chi phí giá vốn rẻ đang là một lợi thế lớn của LCG khi thị trường bất động sản đang dần vượt qua thời kỳ khó khăn. Theo chia sẻ của lãnh đạo DN, LCG đặt mục tiêu hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng dự án quận 12, TP. HCM để có thể kinh doanh bán đất nền ngay. Ngoài ra, DN đang tìm đối tác chuyển nhượng trường nghề Licogi, chuyển nhượng trụ sở văn phòng tại 24A Phan Đăng Lưu, TP. HCM…

Trong 5 năm tới, LCG đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá, dự kiến năm 2014 đạt 36 tỷ đồng; 86 tỷ đồng vào các năm 2015 và 2016; 167 tỷ đồng năm 2017 và 218 tỷ đồng vào năm 2018. Trong khi biên lợi nhuận từ các dự án nhà thầu xây lắp chỉ mang lại cho LCG khoảng 9-10%, cổ đông kỳ vọng nhiều ở các dự án BĐS mà Công ty đang triển khai. Tuy nhiên, nếu DN không tính kỹ các nước cờ,  kế hoạch chuyển nhượng các dự án BĐS có thể mang lại lợi nhuận bất thường cho DN trong tương lai gần nhưng cơ hội tăng trưởng lợi nhuận bền vững lại mất đi.

Tin bài liên quan