Lãnh đạo Masan vào Hội đồng quản trị Vissan

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Anco (thuộc Tập đoàn Masan) có số phiếu bầu cao nhất trong các thành viên được xét duyệt vào Hội đồng quản trị Vissan.

Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) ngày 28/5, công ty đã tổ chức bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Hội đồng quản trị gồm 5 thành viên, ban kiểm soát 3 thành viên. 

Hội đồng quản trị bao gồm: Phạm Trung Lâm, Nguyễn Ngọc An, Văn Đức Mười, Nguyễn Phúc Khoa và Trần Ngọc Đăng.  Đáng chú ý, ông Phạm Trung Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco - thuộc Tập đoàn Masan) có số phiếu bầu cao nhất. 4 thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị là các cá nhân công tác tại Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) và Vissan.

Sau khi bầu Hội đồng quản trị, 5 cá nhân này đã họp riêng và bầu ra Chủ tịch và Tổng giám đốc. Theo đó, ông Nguyễn Phúc Khoa (lãnh đạo Satra) được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn ông Văn Đức Mười giữ chức Tổng giám đốc công ty. 

Năm 2016 công ty này đặt kế hoạch doanh thu 3.996 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,1 tỷ. Đến 2020 công ty kỳ vọng đạt doanh thu 5.252 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 52,2 tỷ, giảm 47% so với 2016.

Lý giải cho nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh sau 5 năm cổ phần hóa, công ty cho biết, do trong năm 2019 cụm nhà máy chế biến ở Long An dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và chi phí khấu hao tăng.

Đối với hoạt động đầu tư, trong vòng 5 năm công ty sẽ bổ sung các trang thiết bị chế biến để tăng công suất, hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn HACCP. Công ty cũng đưa vào khai thác xưởng chế biến thực phẩm tại chi nhánh Hà Nội, đầu tư liên doanh liên kết với các đối tác để mở rộng ngành thực phẩm, dần dần khép kín chuỗi cung cấp thực phẩm.

Bên cạnh đó, công ty sẽ phát triển vùng chăn nuôi heo chất lượng cao, bao gồm hệ thống trang trại chọn lọc, trại nhân giống, trại heo thịt với khả năng cung ứng 300.000 con heo thịt một năm, đáp ứng 30% nhu cầu của công ty vào năm 2020. Doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc cung cấp cho vùng chăn nuôi heo và tham gia thị trường.

Về thị trường xuất khẩu, công ty sẽ tập trung quảng bá và giới thiệu sản phẩm sang một số quốc gia trong khu vực châu Á và một số nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản.

Năm 2016, công ty chi trả thù lao 6 tháng cuối năm cho Hội đồng quản trị và thư ký là 210 triệu đồng, ban kiểm soát 91 triệu đồng.

Trong tháng 3, công ty đã tổ chức đấu giá công khai bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng. Kết phiên đấu giá, giá bình quân của cổ phiếu này là 80.000 đồng, đem về cho Vissan 906,8 tỷ, vượt kỳ vọng trước đó. Mức giá trúng cao nhất đạt 102.000 đồng, tăng 6 lần so với mức giá khởi điểm là 17.000 đồng một cổ phiếu. Cũng trong tháng này, công ty tiếp tục đấu giá cổ phần nhà đầu tư chiến lược. Với mức giá đưa ra 126.000 đồng một cổ phiếu, toàn bộ 11,3 triệu cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược của Vissan đã thuộc về Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (công ty con của Tập đoàn Masan). Sau 2 phiên đấu giá, Vissan thu về 2.333 tỷ đồng.

Tin bài liên quan